Yếu trong liên thông giữa dữ liệu mới và dữ liệu cũ
Thưa ông, thời gian gần đây từ khóa “kinh tế số” được nhắc nhiều như một thuật ngữ thời thượng bên cạnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Là một chuyên gia tư vấn công nghệ, theo ông nên hiểu “kinh tế số” như thế nào?
- Ông Phí Anh Tuấn: Để hiểu đúng về kinh tế số, chúng ta có thể quay trở lại những vấn đề lớn đó là dữ liệu số (digital) đóng vai trò gì cho doanh nghiệp, Chính phủ, thậm chí là cá nhân? Như đã biết, dữ liệu số hóa đang được thu thập, khai thác mạnh mẽ và dễ dàng nhờ công nghệ và giá thành ngày càng rẻ hơn.
Trước đây, việc số hóa của doanh nghiệp thường thể hiện qua các quy trình quản lý, các số liệu hoạt động xử lý thông qua báo cáo, những chương trình. Trong Chính phủ thì có tin học hóa, một cửa một dấu, hay chính phủ điện tử cũng dựa trên nền tảng các quy trình, quy định để điều hành. Về phía cá nhân, đôi khi họ chưa hình dung được nên việc chụp hình chủ yếu để lưu trữ, giải trí hoặc sở thích cá nhân. Nhưng ngày nay, với mức độ công nghệ phát triển mạnh, dữ liệu không chỉ dễ thu thập mà trở nên có ích hơn.
Có dữ liệu số rồi, điều quan trọng tiếp theo là khai thác dữ liệu thế nào cho hiệu quả, sử dụng đúng mục đích phát triển kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp thì nghĩ số hóa càng nhiều càng tốt để phục vụ sản xuất, công tác kinh doanh và dịch vụ. Chính phủ số hóa để phục vụ điều hành, tối ưu vận hành một địa bàn thành phố nào đó chẳng hạn. Còn cá nhân, họ có thể sử dụng luôn các số liệu của mình cho hồ sơ tìm việc, tạo cộng đồng bạn bè, hay phục vụ một sở thích.
Như vậy, kết hợp giữa vai trò của dữ liệu cộng với công nghệ thu thập và xử lý nhanh, giá thành rẻ đã dẫn đến hiệu suất trong doanh nghiệp, tổ chức tăng lên nhờ số hóa, và doanh nghiệp nào có dữ liệu càng nhiều thì giá trị càng tăng. Điển hình như trang Foody chẳng hạn, bắt đầu của trang này chỉ là đăng lên số liệu, ảnh chụp các nhà hàng, đặt hàng... Tiếp đến mới có những phân tích tần suất khách hàng đến thăm, số liệu ai đã đến, quán nào, những loại mặt hàng nào. Từ đó cung cấp số liệu này cho chuyện tiếp thị, công tác bán hàng, và tự nhiên Foody trở thành trang có giá trị triệu đô.
Ý nghĩa bản chất của kinh tế số là như thế, đó không phải thời thượng mà là xu hướng - hiệu quả và không biên giới. Xu hướng kinh tế số ở mức cao hiện nay trên thế giới là số hóa nhất thể hóa các đối tượng. Giả sử mỗi cá nhân có một ID và có thể tích hợp, áp dụng được tất cả các chương trình ưu đãi, thưởng điểm của nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau trên cùng một ID đó mà không cần phải mang theo nhiều thẻ. Hoặc bên cạnh bán thức ăn, bạn cũng có thể kết hợp với Healthcare để đưa ra những lời khuyên, khuyến cáo mức độ thức ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của khách hàng hiện nay...
Ở Việt Nam việc tạo hiệu ứng tìm hiểu kinh tế số, CMCN 4.0 là rất tốt. Sự hào hứng của chính phủ đã tạo ra được môi trường, không khí cởi mở giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Song theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên hạn chế sử dụng các thuật ngữ này, thay vào đó nên đi vào chiều sâu thì tốt hơn.
Theo nghĩa này, kinh tế số Việt Nam đang đứng ở đâu theo một thang đánh giá nào đó?
- Muốn so sánh đang ở vị trí nào cần có số liệu. Tôi sẽ trả lời ở góc độ của một chuyên gia cá nhân và điều đó được xem xét trên ba khía cạnh. Một, vì dữ liệu số là giá trị của doanh nghiệp nên chúng ta cần biết việc số hóa dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp đang có hiện ở mức độ nào; những dữ liệu đã tích lũy ở góc độ của doanh nghiệp cũng như xã hội đang ở đâu. Hai là khả năng mà doanh nghiệp tiếp cận để lấy dữ liệu mới phát sinh và phân tích. Ba là các kinh nghiệm chuyên gia, các nhà cung cấp công nghệ thông tin (CNTT) ứng dụng để khai thác dữ liệu có giá trị.
Hiện nay, tôi đánh giá việc tiếp thu và tiếp nhận xu hướng công nghệ mới, thiết bị mới để thu thập và khai thác dữ liệu như IoT, AI... ở Việt Nam đang khá nhanh, nhất là trong khai thác và ứng dụng. Nhưng các dữ liệu mang tính “hạ tầng thông tin” lại chưa được hoạch định, tổ chức tốt, chưa đầy đủ hoặc mang tính rời rạc. Nên các dữ liệu mới được khai thác khi tích hợp, liên thông với dữ liệu cũ không phát huy được tối đa hiệu quả, trong khi dữ liệu chỉ được khai thác hiệu quả nếu kết hợp được những cái mới cộng với nền tảng đã có.
Rất tiếc các nhà hoạch định kể cả những lãnh đạo cấp cao trong DN Việt Nam đôi khi hơi bị “choáng” bởi những công nghệ mới, trong khi nền móng lại không có sự chuẩn bị hoặc không hoạch định và đầu tư xứng đáng. Ví dụ như việc xây dựng và điều hành hệ thống camera thông minh để chống kẹt xe... về công nghệ đã sẵn sàng, nhưng lại khó áp dụng những giải thuật để điều hành, do hệ thống đặt tên và mã số đường sá, số nhà của chúng ta hiện nay không nhất quán. Giao thông thông minh vì thế trở nên bế tắc.
Kết luận câu hỏi chúng ta đang ở đâu, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, tốc độ lấy dữ liệu của chúng ta ở mức nhanh và tốt, nhưng hạ tầng thông tin, hạ tầng dữ liệu số trước đây trong doanh nghiệp, trong Chính phủ chưa được tổ chức tốt, chưa có nền tảng và thậm chí bây giờ dường như cũng ít được chú ý.
Không “thần thánh” hóa và phức tạp hóa - cần tạo cơ chế tốt
Ông thấy có cách nào để thoát khỏi tình trạng này không?
- Trong những buổi trò chuyện về chuyển đổi số (Digital Transformation) với các lãnh đạo doanh nghiệp, tôi vẫn luôn phân tích những điều kiện cần thiết cho một mô hình trưởng thành của một doanh nghiệp số. Theo đó, bước đầu tiên, các tổ chức, doanh nghiệp nên có sự tìm hiểu tự bản thân hoặc nhờ chuyên gia đánh giá trạng thái và mức độ số hóa để xác định thứ tự ưu tiên từ tầm nhìn xây dựng mô hình kinh tế số cần hướng tới.
Bước tiếp theo, nên tìm hiểu thêm về cơ hội ứng dụng số hóa vào trong tổ chức, doanh nghiệp mình, từ đó đưa ra được những mô hình kinh doanh trên nền tảng số hóa. Sau khi đã hình dung được bức tranh kinh doanh trung hạn đó, đánh giá lại toàn bộ những cái mình đã có, chưa có, cần kế thừa gì, bổ sung gì để phục vụ cho mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần phải lượng hóa lại các đối tác, hệ thống. Có thể một mô hình kinh doanh quốc tế nào đó rất tốt, nhưng môi trường kinh doanh xung quanh không phù hợp thì cũng không được, nên cần xem xét thêm các yếu tố bên ngoài, hiểu rõ mình, từ đó đưa ra lộ trình mà không chạy theo phong trào.
Vấn đề cần lưu ý tiếp theo là không thần thánh hóa và phức tạp hóa nó. Về bản chất, kinh tế số là thay đổi tư duy và nhận thức, đặc biệt chỉ cần một thay đổi, sáng tạo nhỏ cũng có thể làm đổi thay cục diện lớn.
Trở lại vấn đề dữ liệu nền tảng, sự không liên thông giữa cơ sở dữ liệu mới và cũ, liệu câu chuyện về hạ tầng thông tin, hệ thống số hóa để xây dựng đô thị thông minh sẽ thêm khó thực hiện?
- Cuộc sống không có gì là không giải quyết được, vấn đề là cách đặt vấn đề đúng hay không, và phương pháp tiếp cận thế nào. Tiếp cận đúng mà tác nghiệp không đúng thì cũng không được. Câu chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đã đặt ra cách đây vài chục năm nhưng vẫn chưa làm được một cách thấu đáo. Có thể lúc đó do chúng ta đưa ra chương trình chưa đúng, hoặc bị quá khó khăn về mặt công nghệ và ngân sách. Bây giờ có những cái tưởng chừng như bất khả thi với ngày xưa thì trở nên quá đơn giản với thời nay về mặt công nghệ.
Đội ngũ chuyên gia Việt Nam hiện nay, theo ông đã đủ nhiều và đủ tầm để tư vấn, hướng dẫn cho DN, Chính phủ trong sân chơi này không?
- Nói một cách công bằng, các chuyên gia Việt Nam học nhanh, thích cái mới nhưng tính hệ thống lớn thì chưa có. Điều này không phải là vấn đề gì đáng chê trách, vì “không thầy đố mày làm nên” mà. Có nhiều cơ hội làm việc với các doanh nghiệp nên tôi biết rằng hiện nay tốc độ nghiên cứu AI, Blockchain của Việt Nam rất tốt. Nhưng nghiên cứu xong, cơ chế thế nào để áp dụng nhanh ở Việt Nam lại là câu chuyện khác.
Ông có thể chia sẻ thoải mái hơn một chút về “điểm thắt” cơ chế này chứ?
- Muốn áp dụng công nghệ mới trong câu chuyện số hóa thì vai trò của sự kết nối trong hệ thống luôn cần thiết. Trong nhiều trường hợp nó đóng vai trò tiên quyết để xem xét có thể áp dụng được hay không. Và đấy chính là vai trò của điều hành vĩ mô. Chẳng hạn như trong chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới để số hóa, chúng ta có thể linh hoạt hơn về quy định khấu hao nhanh hơn hoặc miễn thuế bao nhiêu phần trăm trên số đầu tư đó.
Doanh nghiệp thay đổi, có tư duy mới về kinh tế số sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho chính doanh nghiệp và đó là động lực của họ. Còn với chính phủ, chỉ cần thay đổi cách tiếp cận và trên cơ sở đó mạnh dạn áp dụng, xây dựng chính sách, thay đổi cơ chế tốt cho việc ứng dụng đó trở nên hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số cần một tinh thần rất mở
Quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam đang gặp những khó khăn và thuận lợi đáng lưu ý nào, thưa ông?
- Một khảo sát các giám đốc điều hành (CEO) trên toàn cầu đã chỉ ra các lý do lãnh đạo các doanh nghiệp chưa có động tĩnh hay quyết tâm xây dựng và triển khai chiến lược 4.0: Thiếu tầm nhìn về tương lai 4.0; Tốc độ công nghệ thay đổi nhanh, có quá nhiều lựa chọn về giải pháp công nghệ nên hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu và lựa chọn thế nào; Cấu trúc hoạt động của tổ chức bị tách rời theo phòng ban hay vị trí địa lý, hoạt động độc lập không liên kết; Áp lực phải chạy theo kết quả ngắn hạn; Thiếu nhân tài, nhân sự có kỹ năng quản trị và dẫn dắt, triển khai dự án chuyển đổi; Tâm lý sợ thay đổi, đặc biệt là các vị trí quản trị, lãnh đạo sợ ảnh hưởng đến quyền lực cá nhân; Thiếu tư duy chiến lược, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quen tồn tại qua ngày; Khó khăn về ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
Mô hình quản trị doanh nghiệp nền tảng thông tin ở nước ngoài người ta xây dựng cả mấy chục năm, nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn đang loay hoay, vẫn còn cãi nhau có nên áp dụng ERP không vì cho rằng ERP là kiến thức của thập kỷ 90, lạc hậu, yêu cầu bây giờ phải là 4.0. Vì vậy câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam khó khăn lớn nhất vẫn là sự thay đổi nhận thức, chưa hiểu thấu đáo dẫn đến tâm lý ngại ngần.
Cuối cùng, theo quan sát của ông, loại hình doanh nghiệp nào hiện nay đang khai thác tốt dữ liệu, kéo theo hiệu ứng tốt cho nền kinh tế nói chung?
- Tôi nghĩ kinh doanh trực tuyến, những ngành liên quan đến đời sống hàng ngày đang phát triển rất hiệu quả. Bán hàng, giao hàng nhanh... đang giúp cho việc ứng dụng, phân tích dữ liệu trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sản xuất hay các tổng công ty nhà nước, họ cũng đã bắt đầu ý thức đến sự thay đổi, nghĩ đến sự đầu tư hệ thống CNTT. Đội ngũ lãnh đạo cũng đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của rủi ro và hậu quả phải gánh lấy khi không có số liệu chính xác, cấp dưới báo cáo một đằng làm một nẻo. Bởi ứng dụng CNTT không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giảm thiểu rủi ro trong quản lý điều hành.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
https://www.thesaigontimes.vn/285411/kinh-te-so-da-den-luc-ngung-ho-hao-nen-di-vao-chieu-sau.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu