Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và Tham nhũng (C46), Bộ Công an và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ những khuất tất trong đấu thầu hai tuyến 2 tuyến xe buýt trợ giá số 72 (BX Yên Nghĩa - Xuân Mai) và tuyến xe buýt 82 (BX Yên Nghĩa - Tế Tiêu).
Trong khi đó, C46 cho biết đang “tiến hành xác minh, làm rõ một số hoạt động trong việc đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho tuyến buýt số 82 và 72 (được trợ giá từ ngân sách của TP Hà Nội) do Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đại diện Sở GTVT tổ chức đấu thầu”.
Kết quả xác minh bước đầu của C46 cho thấy Hồ sơ dự thầu của nhà thầu Cty CP dịch vụ và vận tải Bảo Châu – đơn vị trúng thầu tuyến xe buýt 82 đã “có dấu hiệu không chính xác”. Cụ thể: Từ năm 2012 đến năm 2014, Cty Bảo Châu kê khai doanh thu từ hoạt động kinh doanh trong các báo cáo tài chính nộp đến Chi cục Thuế Hà Đông với tổng doanh thu 85.577.787.005 đồng (trung bình mỗi năm là 28,526 tỉ đồng).
Tuy nhiên, ngày 21.3.2016 Cty Bảo Châu nộp đến Chi cục Thuế quận Hà Đông 3 Báo cáo tài chính đã được điều chỉnh số liệu về doanh thu hoạt động kinh doanh 3 năm, so với kê khai cũ tăng hơn 41 tỉ đồng. Đây là điều bất thường vì C46 xác định: “Hàng năm, Chi cục Thuế quận Hà Đông đã lập các đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra thuế tại Cty Bảo Châu, đều xác định số liệu về doanh thu 3 năm không thay đổi so với số liệu Cty đã kê khai tại các báo cáo tài chính”.
Theo đại tá Hoàng Văn Trực – Phó Cục trưởng Cục C46: “Để xác minh các Báo cáo tài chính của Cty Bảo Châu có vi phạm pháp luật hay không Cục C46 – Bộ CA đang tiếp tục khẩn trương tiến hành xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu tại các đơn vị liên quan để làm rõ”.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, Hồ sơ mời thầu hai tuyến xe buýt trợ giá của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị quy định rõ: “Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu” quy định, doanh thu tối thiểu bình quân hàng năm của doanh nghiệp tham gia dự thầu (2012-2014) phải đạt 39,48 tỷ đồng/năm” (Điều 3.2 khoản 2.1 Mục 2, Chương III). Như vậy, nếu không “sửa” Báo cáo tài chính, Cty Bảo Châu còn không đủ điều kiện dự thầu.
Tạm dừng triển khai tuyến xe buýt 82
Ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 28.6 Sở GTVT Hà Nội cho biết đã tạm dừng triển khai tuyến xe buýt 82 để chờ kết luận thanh tra.
Liên quan đến hai tuyến xe buýt 72 và 82, tại cuộc họp báo chiều 29.6, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định: “Việc đấu thầu là đúng các quy định pháp luật”.
Tuy nhiên về vấn đề Cty Bảo Châu bị tố cáo gian lận Báo cáo tài chính để đáp ứng hồ sơ mời thầu, ông Viện cũng cho biết: “Vấn đề này không thuộc thẩm quyền của cơ quan chấm thầu. Chúng tôi đã tập hợp các kiến nghị liên quan đến việc kê khai thuế, liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước của Cty Bảo Châu để báo cáo UBND thành phố. UBND TP Hà Nội đã xem xét và giao cho Thanh tra thành phố chủ trì và Thanh tra thành phố đang thực hiện theo chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên do Báo cáo của UBND thành phố lên Văn phòng Chính phủ bị chậm nên Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo”.
Về việc chậm trễ triển khai gói thầu tuyến xe buýt 72 của Cty CP ôtô vận tải Hà Tây vi phạm quy định hợp đồng đấu thầu, ông Vũ Văn Viện cho biết: “Việc chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của nhà thầu là do xe buýt nhận về chậm. Có cả nguyên nhân từ cơ quan quản lý, ở đây là Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị và Phòng Quản lý vận tải chưa đáp ứng cơ sở hạ tầng. Như vậy tuyến buýt 72 rời thời điểm hoạt động từ 1.6 sang 1.7 là chậm một tháng so với quy định của đấu thầu có hai nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của cơ quan quản lý nhà nước”.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc Cty Cty CP ôtô vận tải Hà Tây được Sở GTVT Hà Nội cho lùi thời gian, tiếp tục triển khai khi vi phạm hợp đồng đấu thầu là có sự “ưu ái” quá mức, cần được làm rõ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Các trường hợp hủy thầu
1. Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
2. Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
4. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
(Điều 17 Luật Đấu thầu)
Theo Lao Động