Nội địa hóa theo kiểu ngoại hóa
Tỷ lệ nội địa hóa hiện nay tại các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) hiện ở mức cao. Tỷ lệ này ở Honda là 40%, Canon tới 65%... Nhưng, tỷ lệ nội địa hóa này có nghĩa gì?
“Tỷ lệ nội địa hóa 40% tại Honda không phải Việt Nam hóa, mà là các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam cung cấp linh kiện sản xuất cho Honda. Tức, Honda vào Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được vào chuỗi sản xuất của họ” - ThS. Vũ Hoàng Dương, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – cho biết tại Hội thảo Tác động của Đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam sáng 9/4.
Còn với Toyota – doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) mới đây tuyên bố sẽ dừng lắp ráp ô tô tại Việt Nam, dù với doanh nghiệp cấp 1 cung cấp đầu vào, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không tham gia được vào chuỗi của họ.
Với Canon, số lượng nhà cung cấp từ 7 đơn vị vào thời điểm ban đầu đã tăng lên 112 nhà cung cấp, với tỷ lệ nội địa hóa 65%.
“Trong tổng số nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 10%. Tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong liên kết với Canon là không đáng kể, chủ yếu những ngành đòi hỏi kỹ thuật rất đơn giản. Còn với những linh kiện, phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao thì chủ yếu là nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp FDI trong nước cung cấp”, ThS Vũ Quốc Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Với Samsung, trong số 90 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho samsung chỉ đc dưới 10%, .
FDI tăng, doanh nghiệp Việt được lợi gì?
Đối với các tác động từ FDI, TS. Edgar Morgenroth - Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ailen (ESRI) cho biết, tác động lan tỏa ngang (cạnh tranh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước) có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của các doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp FDI đang cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp trong nước.
FDI cũng gây lan tỏa tiêu cực trong liên kết xuôi, lan tỏa tích cực đã được phát hiện trong liên kết ngược. Các phân tích chỉ ra rằng sự khác nhau trong tác động lan tỏa của FDI giữa các ngành, giữa các quy mô doanh nghiệp, giữa các tỉnh và thời gian.
Nhận định về FDI, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ông đánh giá cao đóng góp của diễn giả, nhưng cũng cho rằng: “Tôi không nói quá, nhưng không có đầu tư nước ngoài, chúng ta không thể phát triển như ngày hôm nay”.
“Đầu tư cho toàn xã hội của FDI khoảng 24-25%, đóng góp ngân sách khoảng 14-15%. So với đầu tư toàn xã hội mà đóng góp như thế không phải cao, nhưng cần nhìn nhận từ chỗ chưa có thành có. Chúng ta phải tạo hành lang để nguồn vốn đó vào nhiều hơn”.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, cũng đưa ra cảnh báo, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI.
Về vốn, FDI chiếm 20-25% tổng vốn đầu tư xã hội, có lúc lên 30%. “Như vậy là quá lớn. Một nền kinh tế phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài cực kỳ rủi ro. Tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 3-4%, Thái Lan là 10%. Điều này không chỉ rủi ro mà còn thể hiện sự yếu kém của đầu tư trong ước” – ông Phương cho biết.
Về xuất khẩu: hiện khối FDI xuất khẩu chiếm tới 70%.
Sản xuất công nghiệp: FDI chiếm tới 60%, và rất nhiều ngành chiếm tỷ lệ tuyệt đối
Xuất siêu: dù xuất siêu hay nhập siêu hiện nay đều phụ thuộc vào FDI. “Nếu FDI giảm xuất siêu thì chúng ta ngay lập tức nhập siêu” – ông Phương nói.
Theo Trí Thức Trẻ