Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính tới cuối tháng 11/2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư hơn 1,2 tỷ USD vào 32 dự án mới và 4 dự án mở rộng tại Việt Nam.
Nếu so với cùng kỳ năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư nhiều hơn 12 dự án so với năm ngoái và nhiều hơn gấp 3 lần so với năm 2012. Các con số trên phản ánh rõ xu hướng gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2014.
Đầu năm 2014, Sunwah Group (một trong những công ty phát triển bất động sản của Hồng Kông có mặt tại Việt Nam từ năm 1993) đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tham gia một dự án tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Với tổng vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, trong đó Sunwah Group giữ 48% cổ phần, đây là dự án bất động sản thứ ba của tập đoàn này tại Việt Nam, sau khi đã thành công với 2 dự án là Sunwah Tower và Saigon Pearl.
Keppel Land, công ty phát triển bất động sản của Singapore thuộc Tập đoàn Keppel, trong tháng 7 vừa qua, cũng đã quyết định tăng cổ phần nắm giữ tại Công ty liên doanh Estella lên 98% thông qua việc mua lại 43% cổ phần từ công ty trong nước Tiến Phước.
“Chúng tôi vẫn tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam. Việt Nam có dân số trẻ, năng động và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có tham vọng sở hữu nhà ở lớn”, ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land tại Việt Nam nói và cho biết thêm, tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và lãi suất giảm đang hỗ trợ nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.
Vào thời điểm năm 2007-2008, khi thị trường bất động sản bùng nổ, dòng vốn FDI vào lĩnh vực này có lúc chiếm hơn 50% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, cùng với sự suy giảm kinh tế trong nước, bất động sản không còn là lĩnh vực hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong quãng thời gian từ năm 2008 đến 2011. Nhiều dự án đã bị rút giấy phép và không ít dự án vẫn đang trong tình trạng “trùm mền”.
Đơn cử, tại Hà Nội, một trong những dự án bất động lâu nhất là Dự án Booyoung của Công ty Booyoung Vina (Hàn Quốc). Được cấp phép từ năm 2006, dự án này vẫn chưa từng được xây dựng, do chủ đầu tư gặp khó khăn về thị trường cũng như khả năng tài chính. Ngay cả đến thời điểm này, cũng chưa có một dấu hiệu hồi sinh nào từ dự án này.
Tuy nhiên, chiều hướng dường như đã thay đổi khi đăng ký đầu tư FDI vào bất động sản liên tục tăng kể từ năm 2012 tính cả về số lượng dự án và số vốn đăng ký. Và chắc chắn trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục khi vào thời điểm hiện tại, một số nhà đầu tư đã bắt tay nghiên cứu và chuẩn bị các dự án lớn.
Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) sau khi hoàn thành Dự án Lotte Center tại Hà Nội đang tiếp tục chuẩn bị một dự án lớn với tên gọi Smart Complex tại khu vực Thủ Thiêm, TP.HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD này sẽ là một trong những dự án lớn nhất của Lotte tại Việt Nam.
Hay Tập đoàn Amata (Thái Lan), vào tháng 8 vừa qua, đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Nai để phát triển Dự án Amata City Long Thành, với tổng vốn 530 triệu USD. Tập đoàn Lucky Cement (Đài Loan) cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án khu du lịch, sân golf và đô thị tại Quảng Ninh.
“Nền kinh tế ổn định và các chỉ dấu về tiềm năng phát triển bền vững trong thời gian tới là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản trong thời điểm hiện tại”, ông Trần Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Sao Việt nói.
Trong năm 2012, Sao Việt đã liên doanh với Công ty Sunrise (Hàn Quốc) đầu tư một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng bao gồm các khách sạn, khu vui chơi và biệt thự tại Phú Yên. Tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, phải nói rằng, số lượng các tên tuổi nước ngoài mới đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian qua như Sunrise hay Lucky Cement không nhiều. CapitaLand, Chiaphua Group, Indochina Land, VinaCapital, Sembcorp, hay Lotte vẫn là những nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các công ty phát triển bất động sản tốt vẫn đang phát triển và sẽ tiếp tục thành công nhờ sự hiểu biết trên thị trường, cách họ phản ứng với sự thay đổi của thị trường và cả cách họ biết phải làm gì để đáp ứng nhu cầu. Sự khác biệt của các tên tuổi lớn trên thị trường sẽ càng nổi bật, nếu như nhìn sang các dự án do các công ty phát triển bất động sản ngoại có ít kinh nghiệm hơn ở thị trường Việt Nam hơn.
Đơn cử, Berjaya, một công ty phát triển bất động sản lớn của Malaysia đã giành được giấy phép cho 5 dự án tại Việt Nam trong giai đoạn 2007-2009, nhưng 3 dự án lớn nhất vẫn còn nằm trên giấy. Thậm chí, Berjaya còn phải từ bỏ Dự án Khu đô thị Nhơn Trạch tại Đồng Nai và giảm quy mô của Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP.HCM.
Trong khi đó, CapitaLand hay Indochina Land đã cho thấy sự thích ứng và thay đổi của họ khi điều kiện thị trường thay đổi. CapitaLand cách đây vài năm đã hướng vào phân khúc nhà thu nhập trung bình, với dự án khởi đầu là ParkcSpring tại quận 2, TP.HCM. Indochina Land cũng bắt đầu đi vào phân khúc giá giẻ hơn thông qua việc đầu tư vào Dự án EHome của Nam Long, khi phân khúc nhà cao cấp không còn nóng như trước nữa. Đây chính là sự thay đổi cần thiết để đáp ứng nhu cầu lớn trên thị trường hiện nay.
Hay như Banyan Tree Holdings của Singapore cũng đã thay đổi kế hoạch kinh doanh để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hiện tại. Trong khi vẫn tung ra những sản phẩm biệt thự ven biển hạng sang tại Thừa Thiên Huế, Laguna Lăng Cô - công ty con của Banyan Tree Holdings - trong tháng 9 vừa qua đã giới thiệu một sản phẩm mới với tên gọi Laguna Park. Đây là dự án biệt thự liền kề nằm trong tổng thể Khu du lịch Laguna Lăng Cô, với mức giá không cao lắm.
“Chúng tôi nhận thấy, thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục. Hiện tại, xu hướng đầu tư vào các biệt thự quá đắt tiền đang dừng lại, nhưng đầu tư vào biệt thự có giá cả hợp lý hơn như biệt thự liền kề thì vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn. Thị trường trầm lắng không có nghĩa là người mua hết tiền, chỉ là họ chưa chọn được sản phẩm ưng ý thôi”, bà Phan Ý Nhi, Giám đốc bán hàng và tiếp thị Mảng Bất động sản của Laguna Lăng Cô nói.
Theo Đầu tư