Trong 4 ngày làm việc, TƯ đã xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ khóa 12; số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng 12, đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.
Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban chấp hành TƯ đã thông qua nghị quyết hội nghị.
Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề.
Trong độ tuổi, đủ sức khỏe
Về phương hướng công tác nhân sự TƯ khóa 12, Tổng bí thư cho biết, Ban chấp hành TƯ đã thảo luận kỹ lưỡng và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và thống nhất cao với Báo cáo của Bộ Chính trị.
Cụ thể, đối với yêu cầu xây dựng Ban chấp hành TƯ khóa tới, TƯ nhất trí việc xác định tiêu chuẩn ủy viên TƯ phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng.
Đặc biệt, các ủy viên TƯ phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc..
Đồng thời, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của TƯ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những người thật sự tiêu biểu của Ban chấp hành TƯ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; đã tham gia TƯ, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ…
Tổng bí thư yêu cầu: “Kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành TƯ những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị…”.
Những người "không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay" cũng được Tổng bí thư nêu rõ không để lọt vào TƯ.
Tăng ủy viên TƯ ở vị trí, địa bàn chiến lược
Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, Ban chấp hành TƯ cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và phát triển.
Tăng số lượng ủy viên TƯ ở các vị trí, địa bàn chiến lược, lĩnh vực công tác quan trọng; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số. TƯ khóa tới cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50-60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình TƯ xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự TƯ, TƯ nhất trí cao với báo cáo của Bộ Chính trị, trong đó có khâu giới thiệu của các ủy viên TƯ khóa 11, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị trực thuộc TƯ.
Liên quan việc phân bổ đại biểu dự Đại hội 12 của Đảng, TƯ nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc TƯ và giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể.
Ưu điểm của phương án này là: Bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp và không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia địa giới hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương cùng với các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị, xã hội…
Cuối cùng, TƯ khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TƯ yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trong khu vực Đông Nam Á. Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Theo VNN