Không có lý gì PVN lại phải bao tiêu sản phẩm, chịu lỗ cho dự án hóa dầu Nghi Sơn

“Tất cả các doanh nghiệp làm ăn trên thế giới đều phải hiểu quá trình hội nhập toàn cầu. Trong khi đó, PVN lại cam kết bao tiêu sản phẩm, bù lỗ khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và một số hiệp định đã có hiệu lực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam - Hàn Quốc” – bà Phạm Chi Lan cho hay.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Lãi không đủ bù lỗ

Về các dự án lọc dầu, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lúc đầu tư vào Việt Nam thì giá xăng dầu đang ở mức cao và dự tính nó vẫn ở mức cao trong một thời gian dài. Hơn nữa, với điều kiện kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo cũng muốn có dự án lọc dầu trong nước bởi lâu nay chỉ xuất thô, mỏ dầu gần cạn kiệt cả đi. Các nhà đầu tư nắm được tâm lý đó nên họ yêu cầu ưu đãi, hỗ trợ nhiều thứ và ta phải chấp nhận.

Trong câu chuyện bù lỗ của Nghi Sơn, chính cơ chế ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm đã khiến trung bình mỗi năm, PVN phải bù lỗ từ 80 - 110 triệu USD, tương đương 1.800 - 2.500 tỉ đồng. Đó là còn chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp cho dự án này để đầu tư các hạng mục công trình bên trong khu liên hợp lên tới hơn 3.800 tỉ đồng.

Cụ thể, theo thỏa thuận, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu và được cộng thêm vào giá bán  thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...). Hơn nữa, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Tuy nhiên, hiện nay thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN đã về 0%, thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bỏ tiền ra hỗ trợ và lợi nhuận không đủ bù lỗ. Theo tính toán, nếu giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ thu được 716 triệu USD trong vòng 10 năm, còn số tiền bù lỗ từ 80-110 triệu USD.

Thậm chí, số bù lỗ của PVN do bao tiêu sản phẩm sẽ tăng lên theo nếu giá dầu tăng. Với giả định phương án giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến Petro Vietnam bù lỗ 1,8 tỉ USD/10 năm (tương đương 4.000 tỉ đồng/năm); giá dầu 70 USD/thùng bù lỗ 2 tỉ USD/10 năm (tương đương 4.500 tỉ đồng/năm).

Lời ăn, lỗ… Việt Nam chịu

Nói với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng lọc dầu Nghi Sơn là liên doanh gồm 4 thành viên: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 25,1%, còn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 75% nguồn vốn góp chủ sở hữu. Dù làm ăn có lãi thì phía Việt Nam cũng chỉ được chia lợi nhuận 25,1%, vậy lý do PVN bù lỗ cho nhà máy này là điều không thể hiểu nổi.

“Mỏ dầu khí là tài sản của quốc gia, tức là của nhân dân. Lấy tiền từ ngân sách là lấy tiền của dân bù lỗ cho một công ty 75% vốn là của nước ngoài là ý làm sao?” – ông Bùi Trinh nói.

Nói thêm về điều này, ông Bùi Trinh cho rằng bên chỉ có 25,1% cổ phần lãi phải chịu trách nhiệm bù lỗ là một câu hỏi cần được trả lời minh bạch trước công luận.

Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đặt câu hỏi một dự án mang tiếng là đầu tư nước ngoài khá lớn mà Việt Nam lại phải hỗ trợ nhiều đến thế thì còn ý nghĩa gì không về mặt kinh tế, thương mại của dự án? Nhà đầu tư nước ngoài phải mang đến lợi ích cho nước chủ nhà, đằng này gánh nặng kinh tế đều đổ lên đầu chủ nhà.

“Tất cả các doanh nghiệp làm ăn trên thế giới đều phải hiểu quá trình hội nhập toàn cầu. Trong khi đó, PVN lại cam kết bao tiêu sản phẩm, bù lỗ khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và một số FTA đã có hiệu lực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam - Hàn Quốc” – bà Phạm Chi Lan cho hay.

Do đó, bà Lan cho rằng đây là câu chuyện không sòng phẳng. PVN khi cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cũng là sự liều lĩnh vì chưa biết sản phẩm ra đời như thế nào. Nếu cam kết bao tiêu thì cũng cần phải có những cam kết khác như sản phẩm phải đảm bảo giá cả cạnh tranh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng…

Viết trên trang cá nhân, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy Fulbright) bày tỏ: Là thành viên góp vốn hay cổ đông công ty thì đương nhiên là được hưởng quyền lợi cũng như phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của công ty. Nếu công ty bị thua lỗ thì tất cả các cổ đông công ty sẽ đồng chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ vốn góp.

“Tôi không hiểu công ty chủ đầu tư dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động trong khuôn khổ của loại hình công ty gì mà lạ quá. Lỗ thì chỉ có một cổ đông chịu trách nhiệm bù lỗ, tức cũng có nghĩa là bù lỗ chéo cho các cổ đông khác. Đứng ở góc độ các cổ đông khác thì đây quả là dự án tuyệt vời: lời bỏ túi, lỗ người khác bù” – ông Tuấn viết.

Chất lượng không đạt chuẩn

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn không đáp ứng tiêu chuẩn. Theo Quyết định số 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình khí thải, từ ngày 1.1.2017 sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 4 (tiêu chuẩn Euro 4), và sau đó là mức 5 (Euro 5) kể từ ngày 1.1.2022 cho các sản phẩm xăng dầu sử dụng trong nước. Đây là mức tiêu chuẩn khá cao so với sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước.

Với Nghi Sơn, ngay từ tháng 5.2015, công ty này đã có văn bản gửi Bộ Công Thương khẳng định tiêu chuẩn thiết kế về chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn TCVN mức 4 và mức 5, như quy định trong Quyết định 49/2011.

Báo cáo của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho rằng tiêu chuẩn khi thiết kế dự án đã không đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm nêu trên. Việc bổ sung đầu tư các phân xưởng xử lý để đáp ứng lộ trình khí thải chỉ có thể xem xét thực hiện sau năm 2021 do các cam kết về tiến độ của các hợp đồng vay vốn cho dự án. Do đó, Nghi Sơn đề nghị Chính phủ nới lỏng tiêu chuẩn sản phẩm.

Theo hợp đồng bao tiêu giữa PVN và Nghi Sơn thì sản phẩm khi cung cấp ra thị trường phải đạt chuẩn mức 4. Trong trường hợp không đạt, hai bên phải làm việc và đàm phán lại về việc thực hiện bao tiêu hoặc bổ sung các điều kiện cụ thể. Bà Phạm Chi Lan cho rằng nếu không đạt chuẩn về chất lượng xăng dầu thì không có lý do gì để PVN phải bao tiêu sản phẩm cho Nghi Sơn.

Bộ Công Thương cũng cho biết, về mặt pháp lý, căn cứ theo hợp đồng bao tiêu, sản phẩm phải đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam tại thời điểm bao tiêu và nếu lọc dầu Nghi Sơn không có giải pháp nâng cấp chất lượng sản phẩm để đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam mức 4 trước ngày 1.1.2016 và mức 5 trước ngày 1.1.2021 thì đối chiếu hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký, sản phẩm của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

Theo Một thế giới