“Không chỉ Agribank, nhiều ngành khác cũng ưu tiên con em”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, cho biết trường hợp Ngân hàng thương mại Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) ưu tiên cho con em trong ngành bằng các cộng thêm 30 điểm là hình thức tuyển dụng khép kín.
Đòi hỏi ưu tiên trong thi cử thì còn gì là sự công bằng trong thi tuyển nữa.
Đòi hỏi ưu tiên trong thi cử thì còn gì là sự công bằng trong thi tuyển nữa.

Đại biểu Cương cho biết, nhiều khi chỉ cần cộng thêm một hay nửa điểm đã đỗ rồi, giờ cộng thêm 30 điểm thì chắc chắn trúng rồi.

Agribank không phải là trường hợp duy nhất mà nhiều ngành cộng thêm điểm cho con em trong ngành. Cộng thêm điểm cho con em trong ngành thì con em những ngành khác không bao giờ vào được. Đó là sự tuyển dụng khép kín”. Ông Cương bình luận.

Mới đây Agribank công bố đăng tuyển với một nội dung sẽ ưu tiên cho con em trong ngành. Đây là đơn vị đầu tiên công khai việc này. Ông có ý kiến gì không?

Cần hỏi Bộ Nội vụ để Bộ xác định xem việc đó đúng sai như thế nào. Tôi nghĩ rằng không có căn cứ để tuyển dụng lao động theo kiểu ưu tiên như thế.

Việc tuyển dụng theo quy định của pháp luật phải công khai, không có chế độ ưu tiên ưu đãi ngoài những chế độ ưu tiên ưu đãi được pháp luật và nhà nước quy định. Còn các quy định của ngành thì đều không phù hợp.

Vấn đề tuyển dụng hiện đang có nhiều tiêu cực. Ví như trường hợp tuyển dụng viên chức ở Sóc Sơn. Mặc dù địa phương kết luận đúng quy trình nhưng vẫn có thông tin có tiêu cực. Ông bình luận gì về quy trình tuyển dụng hiện nay?

Tôi không kiểm tra trực tiếp những trường hợp như vậy, nên không thể xác định đúng sai và sai như thế nào. Nhưng theo quy định pháp luật về tuyển dụng, anh không được phép ký hợp đồng khi mà thiếu cán bộ công chức viên chức, phải tổ chức tuyển dụng công khai.

Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng tuyển dụng được, nên một năm chỉ tổ chức 1 - 2 đợt. Nếu trong trường hợp thiếu cán bộ viên chức thì có thể ký hợp đồng nhưng phải thực hiện theo đúng quy trình.

Trong trường hợp này không được ký hợp đồng đặc biệt vài năm, nhưng sau đó lại không tổ chức tuyển dụng, thì hoàn toàn sai phạm. Nhất là tổ chức tuyển dụng theo kiểu nhận trường hợp quen biết để ký hợp đồng.

Thực tế, không phải ai cũng được ký hợp đồng, nhưng “con ông nọ, cháu bà kia” thì lại ký hợp đồng. Như vậy thì con người dân không bao giờ được ký hợp đồng.

Những trường hợp như thế này đã được ký hợp đồng rồi, mà còn đặt thêm vấn đề ưu tiên nữa, tức là ưu tiên những người được hợp đồng, thì vô hình chung là tạo ra cơ chế tuyển dụng khép kín.

Với trường hợp hơn 100 giáo viên không có việc làm, xử lý như thế nào?

Việc tuyển dụng sai thì phải sửa, người chịu thiệt là giáo viên là đương nhiên. Không biết khi tuyển dụng có trao đổi hợp đồng bằng văn bản hay không? Nhưng anh là nạn nhân của tuyển dụng sai, thì anh phải chấp nhận. Kêu cũng khó, vì đây là cuộc chơi không chính thống và có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.

Cái sai cơ bản là cơ quan tuyển dụng, vì quy định tuyển dụng giờ dễ dàng và không phức tạp như trước đây. Họ phân cấp ở cấp thấp, thậm chí trường có thể tuyển dụng chứ không nhất thiết ở tỉnh, thành phố.

Bấy lâu nay nhiều cơ quan lợi dụng việc thiếu nhân viên, ký hợp đồng nhận người nọ người kia vào và không loại trừ tiêu cực, nhận người ta vào. Nên khi tổ chức công khai, thì họ trượt và đó là bình thường. Giờ đòi hỏi ưu tiên trong thi cử thì còn gì là sự công bằng trong thi tuyển nữa.

Nhiều tiêu cực như thế có cần phải xem xet lại quy trình tuyển dụng và quy định cụ thể theo hướng dành cho nhà tuyển dụng quyền tương đối chủ động trong tuyển dụng?

Muốn tuyển dụng công khai minh bạch thì không khó, còn những quy định pháp luật là quy định về quy trình và quyền nghĩa vụ của nhà tuyển dụng, người tuyển dụng. Nhà tuyển dụng không được vượt quá khuôn khổ quy định của luật.

Theo Bizlive