Khơi thông “cơ chế rác”

VietTimes -- Nhựa, phát kiến vĩ đại đang để lại loài rác khó tiêu hủy tác hại lớn cho môi trường, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững. Dù phong trào “chiến đấu” với rác thải nhựa đang được cộng đồng thực thi, song hiệu quả của nó chưa thấy sáng sủa, vì chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa 3 khâu: Phân loại, thu gom và xử lý.
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân phát động phong trào chống rác thải nhựa trong toàn quốc. Điều đáng mừng là việc này đã được toàn xã hội đồng tình, hưởng ứng sâu rộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Trung ương đi bộ kêu gọi cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Trung ương đi bộ kêu gọi cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa

Nhiều sáng kiến trong hạn chế sử dụng, phân loại rác thải nhựa được các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức xã hội tìm, áp dụng, chứng tỏ nhận thức về môi trường, chống biến đổi khí hậu, chăm lo sức khỏe con người ở ta đã có chuyển biến tích cực và mạnh mẽ. Thế nhưng, bên cạnh những việc làm tích cực, ý nghĩa thì có những cơ quan, đơn vị "chộp" lấy cơ hội và phát động lấy thành tích, "đánh trống bỏ dùi" hoặc quá lắm là buộc phải phát động chống rác thải nhựa cho xong chuyện.

Sau thời gian thực hiện đã có nhiều lo ngại vì cách làm mang tính phong trào vốn đã ăn sâu và tiềm thức của nhiều người Việt. Ông Phan Thành Bắc ở TP Bình Dương (tỉnh Bình Dương) lo lắng: Người Việt vốn quen tâm lý “tiện” nên rất khó để có thể thay đổi hành vi nếu không tổ chức thực hiện bài bản, kiên quyết, kiên trì.

Người dân Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội ngăn chặn đường vào bãi rác Nam Sơn để đấu tranh vì quyền lợi
Người dân Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội ngăn chặn đường vào bãi rác Nam Sơn để đấu tranh vì quyền lợi

Ông Bắc phân tích: Nhựa hiện diện trong mọi ngõ ngách cuộc sống gia đình người Việt, từ vật dụng đơn giản cho đến những sản phẩm hiện đại nên rác thải nhựa cũng rất nhiều. Các cơ sở, xưởng tái chế, sản xuất đồ nhựa to nhỏ trong cả nước mọc lên nhan nhản và vẫn hoạt động rầm rộ trong khi cơ sở sản xuất đồ đùng thân thiện môi trường, sức khỏe con người để thay thế nhựa chẳng được là bao.

Ví dụ đồ chơi trẻ em bằng nhựa giá rẻ gia công từ nhựa tái chế hoặc chất lượng thấp nhập từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn cùng với lượng túi nilon đa năng dùng một lần và thải ra môi trường ngày càng nhiều đã khiến cho “đầu vào” của rác thải nhựa phình to.

Do chưa có ý thức phân loại rác hữu cơ, vô cơ tại mỗi gia đình một cách khoa học và thường xuyên nên rác thải nhựa rất khó bị tiêu diệt tận gốc bằng các phương pháp ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Ấy nhưng, trong khi người dân hiểu, đồng tình chống rác thải nhựa thì dường như các doanh nghiệp thu gom, xử lý rác lại “dậm chân tại chỗ”.

Hiện công nhân môi trường thu gom rác mà không phân loại rồi tập kết, đưa đi xử lý đã khiến người dân dù có phân loại rác từ đầu nguồn cũng ngán ngẩm. Điều này không khác gì việc bóp nghẹt “đầu ra” của rác thải nhựa.

Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội từng thí điểm thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn, trong đó có phân loại rác thải nhựa do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, nhưng cũng đã “chết yểu” cho dù cơ quan chức năng chưa hề công nhận thất bại.

Việc người dân ở khu vực bãi rác Nam Sơn đấu tranh lợi ích bằng cách chặn xe rác nhiều ngày đã khiến câu chuyện về rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng ở Hà Nội nóng hơn bao giờ hết. Nếu đến năm 2020 Hà Nội hết chỗ xử lý rác như công bố thì câu chuyện về rác sẽ rất rắc rối, nhức nhối.

Môi trường sống tự nhiên đã không còn là “tài nguyên vô hạn” như nhận thức lâu nay. Rác thải nhựa đang ngặm nhấm, tận diệt môi trường sống và gây ra cho con người nhiều loại bệnh, trong đó có các loại ung thư để lại di chứng nhức nhối.

Giống Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chính quyền nhiều địa phương trong cả nước cũng đang gặp rắc rối và loay hoay với vấn đề xử lý rác vì không nhận được sự đồng tình của người dân.

Chôn lấp rác trong đó có rác thải nhựa không phải là giải pháp căn cơ và thân thiện với môi trường.
Chôn lấp rác trong đó có rác thải nhựa không phải là giải pháp căn cơ và thân thiện với môi trường.

Đầu tư xử lý rác và rác thải nhựa một cách căn bản, bền vững là đầu tư khôn ngoan cần được chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Cốt yếu của vấn đề là khơi thông được “đầu ra” của rác theo hướng thân thiện môi trường.

Thiết nghĩ, thay vì cho quan chức đi nước ngoài học kinh nghiệm quản lý, tổ chức chơi xổ số hoặc nhiều việc khác nhưng không có tác dụng thiết thực bằng tiền ngân sách, thì nên cho họ đi học tập kinh nghiệm xử lý rác của các nước tiên tiến. Chắc chắn ích lợi cho xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều.

Bởi hơn lúc nào hết, việc xây dựng, vận hành “cơ chế rác” hiện đại, thông minh và thông suốt đã cần kíp và gấp gáp lắm rồi!