Khoe mua bản quyền Windows, người dùng bị dân mạng nói 'phí tiền'

Nhiều người dùng chấp nhận sử dụng Windows lậu để tiết kiệm tiền, chấp nhận những rủi ro liên quan tới bảo mật hoặc máy tính dễ bị nhiễm mã độc, virus.

Ngày 16/6, trong một nhóm cộng đồng thảo luận về linh kiện máy tính, tài khoản Facebook có tên Trịnh Nam đăng hình ảnh anh quyết định mua bản quyền Windows, sau khi tham khảo về lợi ích của việc sử dụng hệ điều hành có bản quyền chính thức.

Bài đăng nhận được nhiều bình luận trái chiều, một số người cho rằng mua bản quyền Windows là lãng phí tiền. Ảnh: Chụp màn hình.

Bài đăng ngay lập tức trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của các thành viên trong nhóm. Một số ủng hộ việc trả phí để sử dụng, một số khác cho rằng mua bản quyền Windows là lãng phí tiền, không có lợi ích gì khác biệt. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng anh Nam nên mua "key lậu" đang bán giá trẻ trên mạng.

Bài đăng trên chỉ là ví dụ rất nhỏ để nói về thói quen sử dụng Windows của một bộ phận người dùng tại Việt Nam.

Microsoft Việt Nam: 85% máy tính hiện đã cài sẵn Windows  


Đại diện truyền thông của Microsoft cho biết tình trạng dùng Windows không bản quyền ở Việt Nam đã giảm trong vài năm qua.

Cụ thể, 85% lượng máy tính chính hãng bán ra ở Việt Nam đều được cài sẵn Windows 10. 15% còn lại là những máy bán ra trong tình trạng không hệ điều hành (free-DOS), người dùng tùy ý cài đặt.

Với những máy cài sẵn, bản quyền Windows được tích hợp vào BIOS nên khi cài lại Windows, máy vẫn tự động kích hoạt bản quyền trở lại. Nói cách khác, bản quyền Windows 10 sẽ theo máy suốt đời, người dùng không cần bảo quản hay không thể "sang nhượng".

Trong khi đó, những máy free-DOS có thể có giá rẻ hơn so với máy cài sẵn bản quyền Windows, người mua vẫn có thể cài các bản phân phối của Linux hoặc Windows bản quyền mua lẻ bên ngoài (giá từ 4 triệu đồng tùy phiển bản). Tuy nhiên, phương án này vẫn đắt hơn so với máy cài sẵn hệ điều hành Windows sau khi bán ra.

Khi đó, người mua máy không có Windows bản quyền ở Việt Nam thường chọn cách "săn" key bản quyền bán trên mạng giá vài trăm nghìn đồng, được mua bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp, để tiết kiệm chi phí.

Tại Việt Nam, "Win lậu" là thuật ngữ dùng để chỉ loại hình vi phạm bản quyền trên. Người dùng dễ dàng mua được sản phẩm này với giá 50.000-200.000 đồng với lời hứa "bao công cài đặt", cam kết "sử dụng vĩnh viễn, hoàn tiền 100% nếu xảy ra lỗi".

Ngoài ra, trên các diễn đàn công nghệ, group Facebook cũng có những đường link chia sẻ bộ cài đặt Windows đã bẻ khóa. Đây là những bản cài đặt được cảnh báo nhiều về độ an toàn vì có thể chứa nhiều lỗ hổng bảo mật, mã độc... được hacker cài cắm sẵn và phát tán.

Anh Đinh Hưng (quận 10, TP.HCM), chuyên viên bảo mật hệ thống máy tính cho biết người dùng phổ thông vì muốn tiết kiệm nên thường sử dụng bản quyền lậu. Hành vi mua và sử dụng Win lậu đã xuất hiện từ rất lâu nên hình thành thói quen như vậy.

"Những thế hệ đầu tiên đã quen với việc sử dụng đĩa CD giá khoảng 7.000 đồng để cài Windows lậu, nên hình thành thói quen đến tận bây giờ. Sinh viên, học sinh thường lựa chọn hình thức này một phần vì rẻ, một phần dễ cài đặt", anh Hưng nói.

"Không có nhiều sự khác biệt của 2 phiên bản, nhưng Win lậu dễ bị dính mã độc, virus hơn. Trong những trường hợp đó, người dùng sẽ lựa chọn cài lại máy như ban đầu và chấp nhận mất hết dữ liệu", anh Hưng chia sẻ về các rủi ro khi sử dụng Windows lậu.

Microsoft bán Windows cho các hãng máy tính nhiều hơn


Trước đây, Microsoft cũng từng thông báo hệ điều hành Windows 10 sẽ được cập nhật miễn phí, bất cứ thiết bị đủ điều kiện đều có thể nâng cấp lên Windows 10, bao gồm cả những thiết bị đang dùng Windows "lậu".

Theo Forbes, cho phép cập nhật miễn phí bản quyền Windows cho người dùng đơn lẻ có thể xuất phát từ lý do mảng kinh doanh này càng ít quan trọng với Microsoft. Đặc biệt là khi công ty này định hướng cung cấp hợp đồng bản quyền số lượng lớn với các hãng máy tính lớn như Dell, HP, Asus, MSI... Khi người dùng mua máy tính sản của các hãng này, sẽ được cài đặt mặc định Windows có bản quyền.

Doanh thu Windows OEM về tay Microsoft ngày càng cao cho thấy số lượng laptop dùng Windows không bản quyền có thể giảm dần. Ảnh: The Verge.

Theo báo cáo quý IV/2019 của Microsoft, doanh thu từ Windows OEM (bán cho các hãng máy tính để cài đặt sẵn) tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi mảng doanh thu Windows bán lẻ được gộp chung với các dịch vụ điện toán đám mây.

Theo The Verge, Windows là hệ điều hành phổ biến nhất trên thị trường máy tính toàn cầu. Dù được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, đây cũng là hệ điều hành bị vi phạm bản quyền nhiều nhất.

Trong khi đó, Apple với đặc thù riêng, vẫn miễn phí macOS cho các máy Mac bán ra trên thị trường và chủ yếu kiếm tiền từ thiết bị, kho ứng dụng và các dịch vụ gia tăng.

Theo Zing