Nguyễn Duy Xuân
Nguyễn Duy Xuân

Nhà văn

Khi trên “đồng” nhưng dưới chưa “thuận”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bước sang tháng 10, đại dịch Covid-19 bắt đầu lắng xuống ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều địa phương đã rục rịch “mở cửa”, nhằm từng bước khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng…

Mở như vậy thì mở làm gì?

Ngày 9-10, UBND TP Hà Nội ban hành công văn yêu cầu người từ TP.HCM đến Hà Nội phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là dù đáp ứng đủ các tiêu chí nêu trên nhưng hành khách vẫn buộc phải cách ly tập trung 7 ngày và phải tự trả chi phí cách ly cũng như chi phí xét nghiệm.

Quy định nêu trên của Hà Nội là trái với chỉ đạo của Bộ Y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Công văn của Bộ Y tế nêu rõ: Người dân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, sau khi trở về từ các địa phương nói trên được phép tự cách ly, thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày.[1]

Chủ trương của Hà Nội cũng trái với các chỉ đạo gần đây của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 9/10.

Nội dung thông báo nêu rõ: “Các cấp, các ngành, địa phương lưu ý nếu ban hành các văn bản để cụ thể hóa thực hiện thì phải bám sát theo đúng và dứt khoát không trái với các quy định của Trung ương; tổ chức thực hiện phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng”.

“Thống nhất trên toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải (đường thủy, đường bộ, hàng không), có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ; kiên quyết không để ban hành các “giấy phép con”, không cát cứ, chia cắt; triển khai thận trọng, an toàn, thực hiện thí điểm theo tuần để điều chỉnh phù hợp và phải tăng cường kiểm tra, giám sát”.

Chiểu theo các quy định nêu trên của Chính phủ thì cách làm của Hà Nội liệu có rơi vào tình trạng “cát cứ, cục bộ, mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng”?

Rất may là ngày hôm sau, UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc điều chỉnh. Theo đó, bỏ quy định cách ly tập trung 7 ngày có thu phí đối với hành khách đáp ứng đủ điều kiện quy định từ các tỉnh phía Nam đến Hà Nội.[2]

Tuy nhiên, họ - những “vị khách” của Hà Nội - chưa kịp mừng vui thì ngày 12-10, Sở Y tế Hà Nội lại đề xuất treo biển “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD Covid-19” trước cửa nhà người bay về từ TP.HCM, Đà Nẵng.[3]

Dư luận cho rằng, những quy định tréo ngoe, gây khó dễ như thế sẽ khiến nhiều người "ngại" về Hà Nội.

Mở cửa mà như vậy thì mở cửa làm gì?

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Ảnh VGP

Dân hồi hương đã khổ lắm rồi, nỡ nào còn bắt họ móc túi rỗng nộp phạt?

Trong lúc rất nhiều địa phương như Phú Yên, Quảng Bình, Thái Bình, Lâm Đồng, An Giang,… huy động phương tiện đón công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê hương, tổ chức cách ly theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ vật chất để họ sớm ổn định cuộc sống thì vẫn có địa phương tìm cách “hạn chế” dân trở về.

Tại Đắk Lắk, chiều 3-10, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận công dân sinh sống, đi làm từ các tỉnh thành khác trở về tỉnh Đắk Lắk. Theo đó người dân từ các tỉnh khác trở về quê nhà Đắk Lắk phải trả tiền phí cách ly tập trung 14 ngày, mỗi ngày 120.000 đồng.[4]

Tại Ninh Thuận, từ ngày 3-8 đến ngày 1-10, Công an địa phương đã lập biên bản ghi nhận vụ việc đối với 1.362 trường hợp người dân về quê, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 111 trường hợp, tạm giữ 679 xe máy các loại.[5]

Trong số các trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính có 95 trường hợp bị xử phạt hành chính. Trong đó, phạt cảnh cáo 11 trường hợp, phạt tiền 84 trường hợp. 57 trường hợp đã chấp hành nộp phạt mỗi người 5 triệu đồng.

Trả lời vấn đề này, đại tá Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận - cho biết: "Việc lập biên bản xử phạt chỉ là động tác kỹ thuật. Sau khi lập biên bản, chúng tôi đã có những bước tiếp theo như: hướng dẫn những người có hộ nghèo, những người không có thu nhập làm đơn xin gia hạn hoặc giảm, miễn nộp phạt".

Người hồi hương đã đói khát, cùng cực lắm rồi, sao còn bị “hành” khi trở về quê hương? Tại sao chính quyền địa phương lại phải ôm rơm rặm bụng khi tiến hành lập biên bản, xử phạt, giữ xe, rồi xét duyệt đơn từ,… trong lúc đáng lẽ ra cần tập trung mọi nỗ lực như các địa phương khác đã và đang làm nhằm hỗ trợ người dân trở về an toàn và sớm ổn định cuộc sống?

“Thống nhất toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt”

Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc sáng 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không ban hành "giấy phép con", không cát cứ, không chia cắt.[6]

Chỉ đạo đó của người đứng đầu Chính phủ thiết nghĩ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tuy nhiên trưa 10/10 – ngày đầu tiên mở lại một số đường bay - hành khách xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng được một phen thót tim khi hay tin Đà Nẵng từ chối. Rất may là sau đó Đà Nẵng đã đồng ý tiếp nhận.

Lý giải chuyện này, Sở Thông tin - truyền thông TP Đà Nẵng nói đến 12h30 ngày 10-10, TP Đà Nẵng chưa nhận được thông tin có chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet Air đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, Cảng vụ hàng không miền Trung khẳng định điều đó không chính xác. Theo một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Trung cho hay là do chưa có văn bản hướng dẫn tiếp nhận khách đến TP.[7]

Đấy chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho thấy sự thiếu đồng bộ, không kịp thời giữa các địa phương, ban ngành khi triển khai thực hiện một chủ trương của cấp trên.

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã bộc lộ nhiều sự lúng túng, thiếu nhất quán, đồng bộ giữa các địa phương, ban ngành trong công tác phòng chống dịch mà báo chí và dư luận đã phản ánh suốt mấy tháng qua, không cần phải nhắc lại nữa.

Tuy nhiên từ thực tế đó, điều mà người dân đã nhận thấy và hết sức quan ngại, cũng chính là điều mà người đứng đầu Chính phủ đã nói ra: Đó là tình trạng trên bảo dưới không nghe, “cát cứ, chia cắt”, địa phương tùy tiện ban hành các quy định, giấy phép con trái với chỉ đạo thống nhất của Chính phủ.

Nguồn tham khảo:

[1] https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/bo-y-te-huong-dan-xet-nghiem-cach-ly-phong-dich-covid-19-voi-nguoi-i-lai-giua-cac-vung-nguy-co

[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ha-noi-bo-quy-dinh-cach-ly-tap-trung-7-ngay-voi-khach-bay-tu-tp-hcm-782108.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ha-noi-de-xuat-treo-bien-truoc-cua-nha-nguoi-bay-ve-tu-tp-hcm-da-nang-782274.html

[4] https://tuoitre.vn/nguoi-dan-tro-ve-dak-lak-bi-cach-ly-tap-trung-phai-tra-tien-phi-20211003160852271.htm

[5] https://tuoitre.vn/ninh-thuan-lap-bien-ban-1-362-truong-hop-ve-que-tam-giu-679-xe-may-20211010190828717.htm

[6] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-yeu-cau-giao-thong-thong-nhat-tren-toan-quoc-khong-cat-cu-khong-chia-cat/449078.vgp

[7] https://tuoitre.vn/da-nang-noi-khong-nhan-duoc-thong-tin-chuyen-bay-vietjet-tu-tp-hcm-ve-trua-10-10-20211010190622638.htm