Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.
|
Chưa phù hợp quy định của pháp luật
Luật sư đánh giá thế nào về các biện pháp mà Hà Nội đã thực hiện nhằm ứng phó với dịch COVID-19?
- Tôi cho rằng, trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có nhiều hành động quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời góp phần làm chậm, tiến tới ngăn chặn sự lây lan của dịch. Và tôi tin rằng nếu không có những việc làm đó, chắc chắn số lượng người nhiễm bệnh của Thủ đô sẽ không chỉ dừng lại ở con số 100 người như hiện nay.
Hiện Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên xử phạt các trường hợp ra đường vì mục đích không thiết yếu. Ông nhìn nhận thế nào về việc này? Việc này có nên mở rộng ra các địa phương khác trên toàn quốc?
- Tôi thấy việc xử phạt “những trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường” mà ông Chung yêu cầu cơ quan chức năng của Hà Nội thực hiện là chưa phù hợp quy định của pháp luật và chưa phù hợp ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Như vậy, hiện tại Thủ tướng chỉ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chung tay cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp quy định biện pháp cấm hoặc hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào vùng có dịch bệnh và các biện pháp cần thiết khác chỉ được áp dụng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp. Người nào vi phạm lệnh cấm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổ công tác yêu cầu một phụ nữ đi đường không đeo khẩu trang dừng xe để kiểm tra. Ảnh: CA TP Hà Nội.
|
Có nghĩa là tại thời điểm này, lãnh đạo Hà Nội chưa nên xử phạt người ra ngoài đường, phải vậy không, thưa Luật sư?
- Tại thời điểm này, Nhà nước, Quốc hội chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Như vậy yêu cầu xử phạt “những trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường” của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội là chưa phù hợp.
Tôi đồng tình mọi biện pháp quyết liệt của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong việc ngăn ngừa dịch bệnh, bởi lẽ sức khỏe, tính mạng của mọi người trong đó có tôi và gia đình phụ thuộc nhiều vào những biện pháp đó.
Nhưng rõ ràng phương án nào được đưa ra cũng đều phải tuân thủ pháp luật, tránh hiện tượng như một số địa phương “ngăn sông cấm chợ” đến mức lãnh đạo Chính phủ phải lên tiếng và yêu cầu “Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg”, hoặc tình trạng UBND một xã xử phạt 3 người trên cabin xe để rồi sau đó cơ quan cấp trên phải xin lỗi.
Phạt nặng các trường hợp tụ tập đông người, không đeo khẩu trang
Theo ông, TP Hà Nội và các địa phương khác nên tập trung xử phạt những hành vi vi phạm nào nếu muốn thực hiện hiệu quả việc giãn cách xã hội?
- Thay vì xử phạt đại trà các trường hợp ra đường, thiết nghĩ cơ quan chức năng Hà Nội cần đẩy mạnh việc xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang đúng cách, một hình ảnh không phải là ít gặp hoặc xử phạt hành vi cố ý tụ tập đông người không tuân thủ khuyến cáo về giãn cách xã hội. Đây mới thực sự là những nguồn nguy hiểm thường trực.
Tôi hi vọng rằng, dù Nhà nước cấm hay không cấm, người dân cần tự nguyện tự giác nghiêm chỉnh chấp hành các đề nghị, yêu cầu của cơ quan chức năng, của người lãnh đạo, không nên ra ngoài đường khi không có việc thực sự cần thiết.
Như ông Chung đã nói, chỉ 10% dân số không thực hiện cũng có thể đổ bể kế hoạch. Đừng nghĩ rằng đó chỉ là cách nói phóng đại của lãnh đạo để “dọa” người dân. Nếu chúng ta phân tích một chút thì có thể dễ dàng hiểu được điều này hoàn toàn chính xác.
- Xin cảm ơn Luật sư!