Kết thúc vụ đánh bạc chục nghìn tỷ: Tuyên y án sơ thẩm với hai bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương

VietTimes -- Chiều 12/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm với các bị cáo vụ đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng tại TAND tỉnh Phú Thọ. Hai bị cáo cầm đầu là Phan Sào Nam (cựu chủ tịch công ty VTC Online), Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch công ty CNC) giữ nguyên hình phạt 5 và 10 năm tù về hai tội "Tổ chức đánh bạc", "Rửa tiền", như phán quyết của án sơ thẩm.
Toàn cảnh phiên xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ.
Toàn cảnh phiên xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ.

Từ ngày 5/3, phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của 36 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo và kháng nghị của VKSND Phú Thọ theo hướng có lợi với hơn 80 bị cáo trong vụ đánh bạc trực tuyến thu lợi bất chính chục nghìn tỷ đồng.

Bản án phúc thẩm tuyên bác toàn bộ kháng nghị của VKSND Phú Thọ với ba nội dung: không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức" với 27 bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc, từ đại lý cấp một trở lên; với 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc đề nghị không tịch thu số tiền phạm tội; các bị cáo đã khắc phục hậu quả được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả".

Về nội dung kháng nghị thứ nhất, cấp phúc thẩm nhận định đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến trên đã hoạt động tội phạm có chủ mưu, khép kín, nhiều người tham gia nên không thể chấp nhận: Không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức". Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương là chủ mưu, trong đó Dương giữ vai trò quan trọng nhất, dưới trướng có nhiều người giúp sức tích cực. 

Về nội dung kháng nghị thứ hai, TAND Cấp cao từ chối áp dụng tình tiết "tự nguyện khắc phục hậu quả". Khoản các bị cáo nộp đã nộp là tiền dùng đánh bạc, tiền thu lời bất chính do mua bán trái phép hóa đơn. Vì thế, tòa không coi đây là tiền tự nguyện khắc phục hậu quả. Việc nộp số tiền này thể hiện sự ăn năn hối lỗi của các bị cáo và tòa sơ thẩm đã áp dụng xem xét tình tiết này trong khi tuyên án. 

Với nội dung kháng nghị thứ ba "không thu tiền đánh bạc của các bị cáo phạm tội Đánh bạc", cấp phúc thẩm cho rằng việc tịch tài sản, tiền được dùng để mua bán đổi chác là có căn cứ và có lợi cho các con bạc. 

Vụ án có 92 bị cáo song chỉ 36 người kháng cáo. Về kháng cáo của 36 người, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho 16 bị cáo nhưng không cho áp dụng án treo. Các bị cáo khác có nhân thân xấu không được chấp nhận kháng cáo.

Hai bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) đã bảo kê đường dây lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng, chấp nhận hình phạt của án sơ thẩm lần lượt và 9 năm tù và 10 năm tù. 

Hai bị cáo cầm đầu là Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cũng bị giữ nguyên theo phán quyết của án sơ thẩm, với hình phạt 5 và 10 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc  Rửa tiền.

Sau 27 tháng vận hành, đường dây đánh bạc trực tuyến đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Các bị cáo đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, đường dây được hưởng 4.700 tỷ đồng.