Phất lên nhờ chiến sự
Chiến dịch quân sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế đã chấm dứt 3 thập kỷ hội nhập kinh tế giữa Nga và phương Tây. Nó buộc các doanh nghiệp nước ngoài như Exxon Mobil hay McDonald’s phải rời khỏi Nga.
Trong bối cảnh đó, Ivan Tavrin - nhà sáng lập quỹ đầu tư Kismet Capital - đã tận dụng cơ hội để lấp đầy các khoảng trống mà các doanh nghiệp phương Tây để lại.
Vị doanh nhân 46 tuổi xuất thân từ Moscow đã tận dụng lợi thế không bị trừng phạt của mình để vượt mặt những doanh nhân tỉ phú từng thống trị thị trường. Ivan Tavrin đã chi ít nhất 2,3 tỉ USD đầu tư cho các công ty công nghệ, trong đó có nhánh kinh doanh địa phương Avito của Prosus NV và một nền tảng tuyển dụng lao động trực tuyến mà Goldman Sachs có nắm giữ cổ phần, theo Bloomberg.
“Trong ngắn hạn, chắc chắn sẽ có một làn sóng “Nga hóa” diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh,” Liana Semchuk, chuyên gia phân tích đến từ công ty Sibylline của Anh, nhận định. Tuy nhiên, nữ chuyên gia này cũng cho rằng, không có nhiều tín hiệu cho thấy những doanh nhân Nga đủ khả năng để đạt được mức độ giàu có và tự do như từng thấy trong giai đoạn trước cuộc chiến.
Tavrin đã tạo dựng được danh tiếng với tư cách một doanh nhân và nhà quản lý chứ không phải là một người nắm giữ quyền lực. Do đó, ông không trở thành mục tiêu bị trừng phạt.
Khoản tiền 151 tỉ rúp (2,1 tỉ USD) mà Tavrin chi ra để mua Avito – được định giá khoảng 6 tỉ USD trước khi chiến sự xảy ra – từ tháng 10/2022 được rót bởi Rosselkhozbank JSC, một ngân hàng nhà nước nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và EU.
Các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đã khiến cho ngân hàng này gặp khó khăn trong việc huy động vốn dài hạn, tuy nhiên ngân hàng này lại không bị liệt vào danh sách Quốc gia được Chỉ định Đặc biệt (SDN) khắc nghiệt hơn, một phần là do vai trò quan trọng của nó trong việc rót vốn cho hoạt động xuất khẩu thực phẩm.
Trong tháng trước, Tavrin cũng mua 23% cổ phần của HedHunter Group Plc từ quỹ tư nhân Elbrus Capital với giá 147 triệu USD, trong đó Elbrus và Goldman Sachs vẫn là các cổ đông. Công ty Kismet Capital Group của Tavrin cũng mua Russian Towers, một hãng quản lý cơ sở di động độc lập, trong tháng 1/2022 ngay trước khi chiến sự bùng nổ.
Doanh nhân Nga cũng thực hiện thành công thương vụ mua lại chuỗi nhà hàng của McDonald’s tại Nga và công ty đặt xe Yandex NV, theo những người trong cuộc.
Khi cuộc chiến đã kéo dài được gần một năm, cả hai bên đều đã chuẩn bị tinh thần cho khả năng chiến sự tiếp tục kéo dài. Mỹ và các nước đồng minh liên tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và thường xuyên áp đặt thêm các lệnh trừng phạt, gây ra nhiều khó khăn cho các công ty nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Nga.
Tavrin chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực truyền thông, viễn thông, quảng cáo và từng có thời điểm được xem là có quan hệ mật thiết với người giàu thứ 5 của Nga, Alisher Usmanov. Ông hợp tác với Usmanov trong một vài thương vụ kể từ năm 2009, và giữ vị trí Giám đốc điều hành của công ty di động MegaFon PJSC của Usmanov. Được biết, Usmanov nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, EU và Anh.
Tavrin cũng huy động được khoảng 768 triệu USD với công ty trong năm 202 và 2021. Công ty đầu tiên đã sáp nhập với studio game Nexter Global Ltd., trong khi 2 công ty còn lại mà Tavrin thành lập đang tiến tới sát ngày hoàn tất một thỏa thuận.
Làn sóng công ty nước ngoài rút khỏi Nga
Tavrin giữ vị trí Giám đốc điều hành của công ty di động MegaFon PJSC của Usmanov (Ảnh: The Times) |
Đương nhiên Tavrin không phải doanh nhân Nga duy nhất hưởng lợi từ làn sóng công ty nước ngoài rút khỏi Nga. Nhưng số lượng các bên hưởng lợi lại bị hạn chế, do các bộ luật được đề xướng nhằm hạn chế quyền sở hữu tài sản của công ty nước ngoài ở Nga, trong khi danh sách cá nhân chịu lệnh trừng phạt của phương Tây ngày một tăng.
Ông Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga bị dính lệnh trừng phạt của Mỹ trong tháng 12, đã mua lại Rosbank PJSC từ Societe Generale SA và mua cổ phần của TCS Group Holding Plc từ người sáng lập Oleg Tinkov.
Một số doanh nghiệp cũng bị bán cho các hãng trong nước, đôi khi đi kèm với các điều khoản mua lại, và nhiều công ty không công khai các điều khoản của thương vụ. Bên nhận nhượng quyền của McDonald’s, Alexander Govor, đã mua lại chuỗi nhà hàng của hãng này tại Nga, trong khi Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành một sắc lệnh chuyển giao tài sản của Exxon ở nước này cho một nhà điều hành, trong đó có tập đoàn nhà nước Rosneft.
Trong lúc cuộc chiến tiếp diễn, ngay cả những bên cố gắng bám trụ như Volkswagen AG cũng đang cân nhắc về việc rút khỏi Nga.
Công ty Sistenma PJSFC của tỉ phú Vladimir Evtushenkov cũng đang đàm phán với hãng xe hơi Đức để mua lại nhà máy của họ ở Kaluga, theo thông tin mà tờ Kommersant đăng tải ngày 6/2.
“Giới đầu tư Nga đang phải chịu sức ép mua lại tài sản từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cùng lúc, họ cũng nhận thấy cơ hội mua lại những tài sản đó với giá rẻ,” Chris Weafer, Giám đốc điều hành công ty Macro-Advisory Ltd, cho hay./.
Dân Nga "né" trừng phạt: Về quê trồng cây, nuôi gà...
Bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây, tài sản các tỉ phú Nga bốc hơi rất nhiều
Thiệt hại kinh tế của Nga sau "bão" trừng phạt chưa từng có
Nguồn tham khảo: Bloomberg