Apple khẳng định mọi dữ liệu cá nhân của bạn an toàn. Nhưng thử nghiệm của tờ Washington Post trên iPhone đã phát hiện hơn 5.400 tiến trình theo dõi smartphone gửi đi nhiều thông tin nhạy cảm như vị trí, số điện thoại.
“Đó là 3 giờ sáng. Bạn có biết chuyện gì đang xảy ra với chiếc iPhone của mình không? Điện thoại của tôi dường như đang làm việc tất bật. Mặc dù màn hình đã tắt và tôi đang ngủ, nhưng các ứng dụng liên tục chuyển rất nhiều thông tin về tôi cho bên thứ ba nào đó. Và rất có thể, iPhone của bạn cũng gặp tình cảnh tương. Chẳng hiểu Apple có thể làm gì để ngăn chặn chúng”, chuyên gia công nghệ Geoffrey A. Fowler trả lời tờ Washington Post.
“Tối thứ hai, dữ liệu cá nhân trên iPhone của tôi được gửi đi cho hàng chục công ty tiếp thị, hãng nghiên cứu và có thể là cả những kẻ lừa đảo. Lúc 23h 43', một công ty có tên Amplitude đã biết số điện thoại, email và vị trí chính xác của tôi.
Tới 3h 58', cái tên khác là Appboy thu thập cả dấu vân tay lưu trên điện thoại của tôi. Đến 6h 25' sáng, một trình theo dõi có tên Demdex còn biết cách xác nhận số điện thoại và gửi lại các trình theo dõi khác”.
“Trong thời gian một tuần, tôi đã phát hiện hơn 5.400 trình theo dõi, chủ yếu từ các ứng dụng, không bao gồm của Yelp. Công ty bảo mật Disconnect đã giúp kiểm tra iPhone của tôi và cho biết, những trình theo dõi không mong muốn này sẽ ngốn khoảng 1,5 GB dung lượng băng thông trong vòng 1 tháng. Con số đó bằng phân nửa gói dịch vụ di động cơ bản của AT&T”.
Sự thật về các trình theo dõi ứng dụng
Trước đây, có rất nhiều báo cáo về tình trạng dữ liệu cá nhân người dùng được gửi về các công ty như Google và Facebook, nhưng phần lớn trong số đó vô hại. Chúng dùng để giúp nhà phát triển cải tiến sản phẩm, như biết rõ tính năng người dùng yêu thích hay ít sử dụng nhất.
Tờ 9to5mac còn nhấn mạnh, ứng dụng Privacy Pro mà Washington Post sử dụng để kiểm tra các tiến tình theo dõi, thực tế được cung cấp bởi một công ty thương mại. Rất có thể, hãng này muốn “cường điệu hóa” vấn để nhằm “điều hướng” người dùng mua sản phẩm của mình nhiều hơn.
“Đây là dữ liệu của bạn. Tại sao chúng phải được gửi đi? Sao chúng được thu thập mà ngay cả bạn không biết người nắm giữ thông tin có thể làm gì với chúng”, Patrick Jackson, nhà nghiên cứu từng làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, đồng thời là giám đốc công ty Disconnect chia sẻ. “Tôi biết rõ giá trị của dữ liệu và tôi không muốn thông tin của mình rơi vào tay kẻ khác”.
Hầu hết ứng dụng theo dõi đều hợp pháp
Theo 9to5mac, một số ứng dụng cần gửi dữ liệu về máy chủ để hoạt động. Như Uber hay Lyft buộc phải thu thập thông tin để biết bạn đang ở đâu.
Hay một số ứng dụng thương mại điện tử và ví điện tử cần sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau nhằm phát hiện các giao dịch gian lận hay giao dịch bất thường.
Ngoài ra, nhà phát triển cần thu thập dữ liệu để hiểu người dùng muốn gì, từ đó cải thiện sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Chúng còn được phục vụ cho mục đích quảng cáo, khi mà ứng dụng đó là miễn phí thì nhà phát hành cần lấy thứ gì đó từ bạn để duy trì hoạt động.
Nhưng có lý do để người dùng quan tâm
Patrick Jackson, giám đốc Disconnect có lý khi lo lắng về tình trạng thu thập dữ liệu trên iPhone. Đầu tiên, ông quan tâm tới tính minh bạch của hệ thống.
“Nếu chúng ta không biết dữ liệu của mình gửi đi đâu, thì làm cách nào chúng ta hy vọng chúng sẽ được giữ bí mật”, Patrick Jackson chia sẻ với tờ Washington Post. Với hàng nghìn trình theo dõi như vậy, thật khó cho việc giám sát quá trình thu thập và sử dụng.
Vấn đề thứ hai là cần chính sách bảo vệ người dùng rõ ràng. Theo Patrick Jackson, bất kỳ bên thứ ba nào thu thập và lưu trữ dữ liệu của chúng ta đều bị nghi ngờ.
Trừ khi, họ có chính sách quyền riêng tư minh bạch, như giới hạn thời gian lưu trữ dữ liệu và ẩn danh. Với nhiều bên thu thập lượng lớn thông tin người dùng như vậy, rất khó tránh khỏi tình trạng vi phạm quyền riêng tư và còn chẳng biết quy trách cho bên nào nữa.
Phải công bằng một điều, Apple rất nỗ lực để bảo vệ quyền riêng tư. Nhưng lĩnh vực này rất khó phát hiện và người dùng không biết làm cách nào để bảo vệ mình, cũng như giám sát việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Táo khuyết chắc chắn phải làm việc nhiều hơn nữa, thậm chí cần có những chính sách “mạnh tay” từ chính phủ các nước.