Theo Nymag, cuối tháng 11, Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ vụ một nhóm lừa đảo 6 người điều hành 2 công ty thương mại điện tử lớn chiếm đoạt số tiền 36 triệu USD. Loại hình thương mại điện tử gây lợi nhuận từ hai phương pháp chính đó là lượng người truy cập vào quảng cáo và lượt đăng ký các trang web trả phí đang chạy quảng cáo đó.
Hai công ty thương mại điện tử mang tên Methbot và 3ve sử dụng thủ đoạn thu hút lượt truy cập Internet của người dùng vào những trang web ma. Thủ phạm mượn tên những kênh phân phối nổi tiếng như Vogue và ESPN hay The Economist, người dùng bị dẫn đến một trang web chỉ vỏn vẹn video quảng cáo sản phẩm mà hai công ty này chịu trách nhiệm quảng bá.
Bên cạnh đó, Methbot và 3ve còn sử dụng malware tấn công hơn 1,7 triệu hệ thống máy tính nhằm mục đích tạo view ảo cho những khách hàng đang thuê dịch vụ của hai công ty này. Các chuyên gia an ninh mạng nhận định thủ phạm kiếm khoảng 5 triệu USD/ngày và người dùng vẫn nghĩ rằng số tiền họ bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.
Để đánh chiếm và tạo dựng một hệ thống máy tính số lượng lớn, các malware (phần mềm độc hại) thâm nhập và học hỏi thói quen sử dụng Internet của nạn nhân. Chẳng hạn, malware theo dấu cử động click chuột, đánh cắp thông tin mạng xã hội, thâm nhập cookie và lịch sử từ đó lan ra các máy khác. Sau đó, các malware sử dụng thông tin đánh cắp được tái tạo và mô phỏng nên những lượt truy cập ảo với người dùng ảo khác.
"Mạng Internet ngập tràn sự dối trá đến nỗi thứ duy nhất có thật là quảng cáo", Max Read viết trên NY Mag.
Theo Times, một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2013 đến nay cho thấy mạng Internet có 60% lượng truy cập là người thật, 40% còn lại bị thao túng bởi những con bot ảo và con số này sẽ còn thay đổi nghiêm trọng theo thời gian.
Trong năm nay, YouTube tiết lộ một nửa lượng truy cập vào trang đều do loại "bot đội lốt người dùng". Nếu tình hình vẫn tiếp diễn, thuật toán của YouTube sẽ dần chấp nhận lượt truy cập của bot ảo là thật và xem của người là ảo. Các chuyên gia an ninh mạng gọi vấn đề này là "sự tráo đổi".
"Mạng Intenet năm 2018 tuy đã vượt qua được giai đoạn thật giả lẫn lộn nhưng chính bản thân người dùng bây giờ không thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả", Max Read viết.
Hệ thống đánh giá giả dối
Việc đánh giá lượt truy cập của một trang web có vẻ như là điều thật nhất trên Internet. Chúng ta có thể tính toán, dò xét, kiểm chứng và sự hiện diện của chúng như là công cụ để quảng cáo cho những nền tảng lớn. Hãy nhìn vào Facebook, tổ chức sử dụng và thu nhập thông tin lớn nhất thế giới, là nơi có khả năng đưa ra những số liệu chuẩn xác.
Tuy nhiên, tháng 10 năm nay, nhiều công ty quảng cáo đệ đơn kiện Facebook vì làm giả số liệu. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa ra con số 150-900% người dùng xem video trên nền tảng thay vì chỉ 60-80%.
Theo MarketingLand, trong vòng 2 năm, Facebook thừa nhận đã làm giả tất cả từ lượng reach trên mỗi bài viết, người dùng xem quảng cáo cho đến khoảng thời gian sử dụng Instant Articles.
Nực cười thay, Facebook vừa tuyên bố rằng đã có khoảng 75 triệu người dùng bỏ ra hẳn 1 phút mỗi ngày xem video trên Facebook Watch. Sau đó, nền tảng thừa nhận từ 60 giây trở về sau không một ai kiên nhẫn xem hết.
"Chúng ta liệu còn có thể đặt niềm tin vào hệ thống đánh giá này, khi chúng đã bị thao túng bởi những ông lớn", Max Read chia sẻ.
Người dùng đầy toan tính
Theo Times, YouTube cho rằng lượng truy cập ảo vào trang web chỉ chiếm "một phần nhỏ". Nhưng, lượt đăng ký ảo vào các kênh cũng ảo nốt lại là vấn đề cực kì to tát. Người ta có thể bỏ ra khoảng 15 USD để mua 5.000 lượt view ảo chỉ trong vòng 30 giây. Người dùng sẽ bị lừa một lần nữa vì họ nghĩ những lượt view đó đến từ người thật, tất cả đều tạo bởi bot.
Bên cạnh đó, dịch vụ "farm" lượt tải về và lượt view cũng có thể thực hiện thủ công. Một công ty ở Trung Quốc trang bị cho nhân viên hàng trăm smartphone, máy tính tất cả đều xem một video và tải về app mà khách hàng yêu cầu trước đó, đây là loại hình kinh doanh được vận hành bài bản và chuyên nghiệp.
"Đến nay, lằn ranh thực giả trở nên mờ nhạt dần. Chúng ta có bot giả mạo con người để tăng view, hay ngược lại con người làm công việc của bot, rồi tới chính con người cũng đội lốt bản thân", Max Read viết.
Theo Atlantic, công nghệ AI giờ đây có thể tái tạo khuôn mặt con người với độ chính xác và tinh tế cực kì cao. Trên Instagram, các KOL giả mạo do AI tạo thành thu hút nhiều lượt tương tác và có lượt bình luận cực kì cao. Bên cạnh đó, những bài đăng gắn mác các nhãn hàng lớn dẫn dụ lượt tương tác bằng trò giveaway miễn phí góp phần tạo nên mạng Internet đầy dối trá.
Nội dung gian dối
YouTube, ngôi nhà của những video có nội dung bẩn và "vô nhân tính". Trang web đầy rẫy những tập phim truyền hình bị chiếu ngược để tránh bản quyền, những vlogger tán nhảm và tuyên truyền những suy nghĩ lệch lạc cho đến hàng loạt video hoạt họa bẩn.
"Người Nhện và Elsa cùng lái máy cày và chơi đùa, chim chuột nhau. Con số của những video này là không thể đếm xuể trong khi có biết bao nhiêu đứa trẻ ngồi trước màn hình xem hàng giờ liền", Max Read nói.
Tháng 1/2018, một người dùng ẩn danh trên Reddit chế tạo "deep fake", một ứng dụng dễ sử dụng có chức năng thay thế khuôn mặt của một người vào video bằng công nghệ AI.
Hơn thế nữa, các kĩ sư tại Nvidia đã chế tạo ra các khuôn mặt với biểu cảm giống y như thật cũng bằng trí thông minh nhân tạo. Trái ngược với những gì chúng ta từng mong đợi, thử tưởng tượng một viễn cảnh nơi mà những hình ảnh được xử lý bằng AI kia trở nên "thật hơn cả thật" trong khi những bức ảnh do chính chúng ta chụp được xem là giả. Sự phát triển của công nghệ thông tin góp phần đạp đổ niềm tin của con người nơi công nghệ.
"Liệu chính con người chúng ta cũng giả nốt", Max Read trăn trở.
Khắp mọi trang web, khắp mọi nền tảng bán hàng, người dùng bắt buộc phải chứng tỏ họ là con người. Bạn có thể gõ đoạn mã này không? Bạn có thể xem số nhà này không? Bạn có thể lựa chọn những bức ảnh có chứa xe? Tất cả những câu hỏi vô lý được đặt ra như một biện pháp tạm thời, gạn lọc bớt những khả năng bị bot tương tác.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng chẳng được dài lâu và không thể phân chia rõ ràng lằn ranh thực ảo. Văn hóa giả dối trên mạng Internet là kết quả của những cuộc khảo sát định hướng, những hệ thống quản lý bị thao túng hay thị trường giả mạo. Để chữa lành Internet, yếu tố niềm tin phải được đặt lên hàng đầu và xây dựng nên một văn hóa khép kín như Slilicon Valley là điều nên làm.
Theo Zing
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu