Tại buổi họp báo mới diễn ra hôm thứ Ba 3/11 tại San Francisco - Mỹ, Intel đã công bố 3 dòng sản phẩm chip Quark mới tiêu thụ năng lượng cực thấp, cùng với phần mềm và các chi tiết kỹ thuật công nghệ giúp khách hàng của công ty nhanh chóng thâm nhập vào thị trường IoT đang có xu hướng phát triển nhanh.
Internet of Things, hay thường gọi ngắn gọn IoT, là thuật ngữ được dùng để tham chiếu tới khả năng tính toán và liên lạc đối với các thiết bị trong cuộc sống hàng ngày, từ thiết bị điện gia dụng cho tới xe hơi. Lĩnh vực này yêu cầu những con chip tiêu thụ năng lượng cực thấp.
Để dễ hình dung, so với chip Intel được trang bị cho laptop thông thường có công suất khoảng 15 wat, chip Quark chỉ tiêu tốn khoảng 27 milliwatt, hay vài chục phần nghìn watt.
Intel duy trì thiết kế chip xử lý theo kiến trúc x86 từ những năm 1980 cho tới nay. Chip Quark D1000 mới, dòng sản phẩm đầu tiên trong 3 dòng chip Quark mới đã sẵn sàng, được phát triển từ thiết kế đó nhưng không đầy đủ năng lực như chip x86, theo giới thiệu của Douglas Davis – phó chủ tịch Intel phụ trách bộ phận IoT.
Những chip mới này không thể chạy hệ điều hành Windows hay những phần mềm khác mà thường được phát triển cho công nghệ x86. Nhiều công ty phát triển ứng dụng IoT không dựa trên những hệ điều hành thông thường, vốn được phát triển cho PC hay thiết bị di động như smartphone và máy tính bảng. Thay vào đó, phần mềm IoT chạy trực tiếp trên phần cứng, Davis cho biết.
Intel là một trong nhiều công ty đang tìm cách thiết lập các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực nhúng. Những tên tuổi lớn đang nỗ lực theo xu hướng mới gồm có Cisco Systems, Qualcomm, General Electric và IBM. Trong đó nhiều công ty sử dụng công nghệ chip được cấp phép bởi ARM Holdings, vốn đang thống trị thị trường smartphone.
Cũng tại buổi họp báo, CEO Intel Brian Krzanich đã công bố các sản phẩm mới, khẳng định quyết tâm thúc đẩy xu hướng IoT. Công ty đã rót tiền đầu tư vào một loạt công ty khởi nghiệp sản xuất đồng hồ thông minh, kính thông minh và thiết bị bay tự lái (drone).
Chip của Intel lâu nay thường được gọi là bộ vi xử lý (microprocessor), bây giờ công ty phân loại dòng chip Quark mới vào một nhóm khác, gọi là vi điều khiển (microcontroller). Dạng chip này đang dần trở nên phổ biến, xuất hiện ngày càng nhiều trong xe hơi để hỗ trợ điều khiển và tăng cường an toàn khi xe hoạt động.
Chẳng hạn chip Quark D1000 mới ra mắt sẽ xác định những thông tin bất thường do các cảm biến xung quanh gửi tới, đại diện công ty cho biết.
Chip Quark cũng được thiết kế để hoạt động ổn định trong điều kiện nhiệt độ không bình thường, quá cao hoặc thấp.
Với việc tung ra những dòng chip mới này, Intel cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ Freescale Semiconductor Inc. và Atmel Corp.
Thêm một khó khăn lớn khác đối với thị trường này là giá. Những con chip truyền thống cho máy tính lâu nay Intel bán với giá hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn đô la Mỹ, nhưng chip cho IoT phải có giá rất thấp. Quark D1000 sẽ có giá từ 2 hoặc 3 USD, tùy theo số lượng, và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa, Intel hứa hẹn.
Intel không tiết lộ giá của dòng Quark D2000, được dự kiến sẽ “chào sân” cuối năm nay, cũng như SoC Quark SE cho IoT, dự kiến sẽ có mặt vào nửa đầu năm sau.
Thị trường IoT đang có nhiều tín hiệu hứa hẹn sớm bùng nổ phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Microsoft đang phát triển một phiên bản Windows 10 cho các thiết bị IoT, gọi là Windows 10 IoT Core. Trong khi đó ARM cũng cung cấp nền tảng Mbed, bao gồm hệ điều hành và các dịch vụ đám mây.
Theo PCW