Hưởng quyền lợi bảo hiểm xe máy khó như “lên trời“

VietTimes – Người dân bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy khi đi ra đường nhưng khi gặp tai nạn liệu có được hưởng quyền lợi bảo hiểm hay không? Thậm chí, có trường hợp mua đúng loại bảo hiểm nhưng vẫn không có giá trị, vẫn bị phạt xử phạt hành chính.
Nhập nhằng việc hưởng quyền lợi bảo hiểm xe máy. Ảnh: Internet
Nhập nhằng việc hưởng quyền lợi bảo hiểm xe máy. Ảnh: Internet

Mấy ai được hưởng quyền lợi bảo hiểm xe máy?

Từ ngày 15/5 đến nay, câu chuyện về bảo hiểm xe máy (BHXM) đang được người dân đặc biệt quan tâm. Vấn đề này xuất phát từ chiến dịch tổng kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông của CSGT TP.HCM bắt đầu từ ngày 15/5/2020 đến 14/6/2020.

Theo đó, trong thời gian này, CSGT TP.HCM sẽ yêu cầu dừng xe kiểm tra mà không cần lỗi ban đầu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ như đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật...

Người dân chỉ cần chi 66 nghìn đồng để mua bảo hiểm xe máy bắt buộc. Khi mua, nhân viên bán bảo hiểm tư vấn về quyền lợi người bị tai nạn sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường. Nhưng trên thực tế, để được công ty bảo hiểm bồi thường phải cần có nhiều giấy tờ, thủ tục mà người dân đành "chịu thua".

Trên tờ Tuổi Trẻ Online, một bạn đọc chia sẻ về hành trình gian nan đòi quyền lợi BHXM bắt buộc khi xảy ra qua quẹt trên đường.

Theo đó, gia đình người này luôn mang giấy tờ xe bên người cũng như BHXM bắt buộc. Không may một ngày người em rể bị va quẹt trên đường. Thông thường 2 bên sẽ tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc sao cho nhanh gọn, đơn giản nhất. Nhưng sau đó, cậu em rể xót chiếc xe mới mua bị hư hỏng nhiều đã gọi điện lên hãng bảo hiểm để yêu cầu được bồi thường.

Nhân viên công ty bảo hiểm thông báo muốn được bồi thường thì phải có biên bản của cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc giấy xác nhận của công an khu vực (nơi xảy ra tai nạn). Nếu người bị thương tích phải nhập viện thì phải có giấy ra viện, đơn thuốc. Nếu xe bị hư hỏng phải có hóa đơn của tiệm sửa chữa và xác nhận vụ việc của công an. Đồng thời, tất cả giấy tờ phải có mộc đỏ của công an cùng sự ghi nhận của công ty bảo hiểm.

Nghĩ đến công đoạn tìm cho đủ các loại giấy tờ kể trên, cậu em rất nản lòng. Khi muốn nhận quyền lợi bảo hiểm phải chứng minh sự việc và các giấy tờ liên quan, đó là điều đương nhiên.

Nhưng trên thực tế các vụ va chạm trên đường, hầu hết mọi người tự xử lý, tự thỏa thuận, không báo CSGT lập biên bản (vì ngại sẽ thêm rắc rối khác). Do đó, việc đáp ứng các yêu cầu từ công ty bán bảo hiểm xe máy là rất khó.

Đặc biệt, ở những thành phố đông người, kẹt xe nghìn nghịt, chủ xe máy thường không thể kiên nhẫn đợi CSGT, công ty bảo hiểm đến ghi nhận sự việc. Điều này chỉ mới thấy ở xe ôtô. Nếu ai đi xe máy cũng đứng chờ biên bản để hưởng BHXM là điều bất khả thi.

CSGT kiểm tra người tham gia giao thông. Ảnh: Internet
CSGT kiểm tra người tham gia giao thông. Ảnh: Internet

Một bạn đọc khác  là anh N.S.H (ở quận Phú Nhuận) cũng chia sẻ trên tờ Tuổi Trẻ Online về tình trạng quyền lợi bảo hiểm xe máy.

Năm 2018, xe anh không may va chạm với một xe máy khác. Sau đó, anh nộp hồ sơ cho công ty bảo hiểm. Dù các bên được mời lên làm việc mấy lần nhưng anh Hà vẫn không nhận được tiền đền bù, nản quá anh bỏ cuộc.

Anh cho biết, công ty bảo hiểm yêu cầu anh cung cấp giấy tờ như biên bản hiện trường, giám định tỉ lệ thương tật, tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận của CSGT rằng người điều khiển xe không uống rượu bia, không vi phạm giao thông... Chưa kể đến trường hợp tai nạn yêu cầu phải có sự chứng kiến của các bên cùng lúc gồm CSGT, nhân viên bảo hiểm, những người liên quan vụ tai nạn... 

Anh H cho hay với những thủ tục rườm rà như vậy thì làm sao người mua đủ điều kiện hưởng bảo hiểm.

Mua BHXM thì dễ, nhưng muốn nhận được quyền lợi thì không dễ, bởi những vụ việc như trên không phải cá biệt. 66.000 đồng cho một cái BHXM trong vòng một năm là số tiền không nhiều với mỗi người, nhưng nhân với hàng chục triệu xe máy thì sẽ rất lớn.

Bảo hiểm xe máy thật nhưng không có giá trị

Thông tin từ tờ Zing, dọc tuyến đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có không dưới 3 điểm bán bảo hiểm xe máy bên lề đường. Một người phụ nữ bán kính nhưng căng băng rôn bán bảo hiểm. PV tiếp cận mua thì được người bán giới thiệu tờ bảo hiểm của Công ty Cổ phần bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).

Người phụ nữ bán bảo hiểm xe máy bên vỉa hè. Ảnh: Zing
Người phụ nữ bán bảo hiểm xe máy bên vỉa hè. Ảnh: Zing

Tờ bảo hiểm có 2 phần gồm giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện mô tô - xe máy (màu trắng) và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc bắt trách nhiệm dân sự (màu vàng), giá cả 2 tờ bảo hiểm là 70.000 đồng.

Người bán yêu cầu cho xem đăng ký xe máy, sau khoảng 2 phút, giao dịch mua bảo hiểm xe máy được hoàn thành.

Sau khi bán, người phụ nữ cam kết khi bị vấn đề gì cứ đến công ty bảo hiểm trình báo là được bồi thường.

Tuy nhiên, khi liên hệ với Công ty bảo hiểm BSH chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Văn Luận - Phó Giám đốc chi nhánh, cho biết tờ bảo hiểm trên không có giá trị về cả mặt pháp lý hay để bồi thường. Mặc dù, 2 giấy chứng nhận bảo hiểm được xác nhận là hàng thật của công ty.

Ông Luận cho biết, tờ bảo hiểm bắt buộc TNDS không có thông tin về biển kiểm soát, số khung, số máy. Còn phần bảo hiểm tự nguyện thì không ghi số tiền bảo hiểm mà người mua tự nguyện mua. Ông cho rằng người bán tờ bảo hiểm trên hoàn toàn sai về nghiệp vụ. Thậm chí, khi gặp CSGT, người điều khiển xe máy vẫn có thể bị phạt khi trình tờ bảo hiểm này.

Về vấn đề các cuốn bảo hiểm được bán trôi nổi trên vỉa hè và người bán bán những tờ bảo hiểm không có giá trị đối với chủ xe máy, ông Luận trả lời đây là vấn đề chuyên môn của từng chi nhánh.

Qua kiểm tra, chi nhánh phát hành 2 phần bảo hiểm "vỉa hè" trên thuộc Công ty bảo hiểm BSH chi nhánh Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Liên hệ với Giám đốc bảo hiểm BSH chi nhánh Lam Sơn, vị lãnh đạo này từ chối trả lời việc bảo hiểm chi nhánh của mình lại được tuồn bán ở Hà Nội.