Tuần vừa qua, Huawei tiếp tục phải đối diện với làn sóng tẩy chay khi 02 quốc gia chủ chốt là Pháp và Đức đều có động thái ngừng hợp tác với hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Cụ thể, hãng Viễn thông Orange của Pháp đã loại Huawei khỏi danh sách cung cấp thiết bị cho dự án mạng 5G. Cùng với đó, Công ty Viễn thông Đức là Deutsche Telekom cũng tuyên bố đang cân nhắc về việc dừng hợp tác với Huawei.
Deutsche Telekom cho rằng, đã đến lúc họ cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng về tính bảo mật của các thiết bi do Huawei cung cấp. Bên cạnh đó, Công ty đến từ Đức này cũng cho biết, họ sử dụng thiết bị của nhiều đối tác lớn trên thế giới, nhưng với các sản phẩm của Huawei thì cần phải được đánh giá lại toàn diện, đặc biệt là về tính bảo mật và an toàn.
Trước đó, nhằm thể hiện thiện chí với Chính phủ Mỹ trong vấn đề tẩy chay Huawei, đồng thời để quá trình sáp nhập diễn ra nhanh hơn, hai Hãng viễn thông lớn của Mỹ là Sprint (công ty con của hãng Softbank, Nhật Bản) và T-Mobile (công ty con Deutsche Telekom) đã tuyên bố từ bỏ thiết bị của Huawei. Giới chức sắc của Mỹ đã từng bày tỏ quan ngại rằng, 2 công ty mẹ của Sprint và T-Mobile vẫn đang sử dụng thiết bị của Huawei và điều này có thể gây nguy hại tới an ninh quốc gia Mỹ.
Trước những phản ứng mạnh mẽ của các nhà lập pháp và quan chức Washington về mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc, cũng như làn sóng kêu gọi không sử dụng thiết bị của Huawei không ngừng gia tăng, Hãng công nghệ này gần như không còn chỗ đứng ở thị trường Mỹ.
Có vẻ như dự án viễn thông như 5G của Huawei có nguy cơ “chết yểu” ở nhiều quốc gia. Mới đây, một số nước vẫn tiếp tục từ chối sự xuất hiện của Huawei trong hạ tầng viễn thông 5G. New Zealand và Australia đã ban hành lệnh cấm các công ty viễn thông tại 2 nước nhập sản phẩm Huawei cho dự án 5G. Tập đoàn BT của Anh tuần trước cũng tuyên bố họ sẽ không mua thiết bị Huawei trong kế hoạch 5G sắp tới.
Hiện tại, Mỹ vẫn đang đẩy cao áp lực lên Chính phủ các nước đồng minh, đặc biệt đồng minh ở châu Âu, thị trường nước ngoài lớn thứ 2 của Huawei, để hạn chế hoặc cấm thiết bị của Huawei.
Áp lực trước việc nhiều quốc gia trên thế giới từ chối sử dụng sản phẩm, thiết bị của Huawei chưa lắng xuống, thì ngày 01/12 vừa qua, Chính phủ Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, không chỉ khiến bà Mạnh đối diện với cuộc chiến pháp lý dai dẳng và tốn kém mà còn được cho là gây bất lợi cho hình ảnh của chính Huawei trên thị trường thế giới.
Mặc dù thời điểm này, bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại sau khi nộp một khoản tiền bảo lãnh là 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) tiền đặt cược, gồm 7 triệu CAD tiền mặt và một tòa nhà, đồng thời chấp nhận mang còng điện tử và giao nộp hộ chiếu.
Vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ít nhiều ảnh hưởng đến Huawei nhưng hãng này cho rằng vẫn còn cơ hội để phát triển ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là quê hương Trung Quốc, với kỳ vọng là thị trường 5G có quy mô và phát triển nhanh nhất trong những năm tới. Nếu khả năng xấu xảy ra, Huawei có thể tê liệt dù chính phủ Trung Quốc hoặc một số ngân hàng quốc doanh của nước này chắc chắn sẽ ra tay cứu khi cần.
Cũng giống như ZTE, Huawei phụ thuộc vào linh kiện Mỹ cũng như hệ điều hành Android và chip từ Qualcomm. Huawei sẽ không thể sản xuất được điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động nếu không có linh kiện từ các công ty nói trên. Cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác, Huawei phụ thuộc vào chip được thiết kế bởi ARM - một công ty của Anh thuộc sở hữu của SoftBank - một công ty viễn thông di động lớn của Nhật. Dù từng tuyên bố rằng sản phẩm của Huawei an toàn, SoftBank đang chuẩn bị gỡ bỏ sản phẩm của Huawei ra khỏi hệ thống của mình.
Cái giá phải trả tiếp theo của Huawei là gì? Câu trả lời vẫn ở phía trước, chỉ biết rằng, việc làm bây giờ của Huawei là phải chứng minh được sự “trong sạch” của mình trước đối tác.
Theo XHTT