Huawei tăng cường củng cố vị thế ở châu Phi trong bối cảnh bị Hoa Kỳ cấm vận

VietTimes -- Ngày 9/6, hãng thông tấn SCMP đưa tin “người khổng lồ công nghệ” Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi. Có thể thấy, Huawei đang cố gắng củng cố vị thế của mình ở châu Phi, nơi mà họ đang kinh doanh rất tốt trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường sức ép.
Trước lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, Huawei tăng cường tầm ảnh hưởng ở thị trường châu Phi. Ảnh: The Tribune
Trước lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, Huawei tăng cường tầm ảnh hưởng ở thị trường châu Phi. Ảnh: The Tribune

Huawei đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển thế hệ mạng mới nhất: mạng 5G. Tuy nhiên, công ty hiện đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Hoa Kỳ liên tục “tung đòn” với mục tiêu “triệt mọi đường sống” của Huawei. Trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung, Huawei bị trở thành “con tốt” chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất.

Trước sức ép từ chiến dịch cấm vận Huawei của Mỹ, nhiều công ty công nghệ lớn đã dè chừng thậm chí tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei. Tiêu biểu là Google, nhà sở hữu hệ điều hành Android có mặt trong hầu hết các thế hệ điện thoại thông minh và ARM, nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới.

Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ bùng nổ, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải lựa chọn theo “anh cả” hoặc”anh hai” của nền kinh tế thế giới.

Thứ Tư ngày 5/6, Huawei ký hợp đồng với MTS - nhà mạng lớn nhất nước Nga để phát triển công nghệ 5G và xây dựng mạng lưới 5G tại Nga vào năm 2020. Sự kiện này đã đập tan nỗ lực đẩy Huawei của Washington ra khỏi thị trường 5G toàn cầu.

Tại diễn đàn kinh tế được tổ chức ở Saint Petersburg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Nga Putin rằng Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ các phát minh công nghệ với tất cả các đối tác, đặc biệt là công nghệ 5G.

Nhiều chuyên gia lo lắng rằng cuộc chiến tranh lạnh công nghệ leo thang sẽ buộc các quốc gia châu Phi phải lực chọn giữa Trung Quốc hoặc Mỹ.

Huawei, nhân tố chính trong căng thẳng Mỹ - Trung, đã ký một thỏa thuận để tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi (AU) vào tuần trước.

“Đây là cách để Huawei chứng tỏ rằng họ vẫn đang hiện diện ở châu Phi và sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng rất quan trọng này”, ông Ruben Nizard, chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Pháp Coface, cho biết.

Thỏa thuận này được đưa ra sau khi hãng thông tấn Le Monde của Pháp đưa tin vào năm 2018 rằng Trung Quốc có gián điệp tại EU. Theo báo cáo này, hoạt động gián điệp được bắt đầu từ năm 2012 sau khi Trung Quốc tài trợ kinh phí để xây dựng trụ sở làm việc mới cho EU. Sự việc chỉ bị phanh phui khi các kỹ thuật viên phát hiện dữ liệu trên các máy chủ của tòa nhà được gửi đến Thượng Hải. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và EU đều phủ nhận cáo buộc này.

Huawei đã có mặt trên khắp châu Phi kể từ khi ra mắt tại Kenya vào năm 1998 và hiện đang hoạt động tại 40 quốc gia, cung cấp mạng 4G cho hơn một nửa lục địa. Công ty cũng tuyên bố sẽ giới thiệu mạng điện thoại di động 5G truyền dữ liệu với tốc độ nhanh hơn 4G tới 100 lần tại Ai Cập cho Cúp bóng đá châu Phi, sẽ được tổ chức từ ngày 21-6 đến 19-7.

Ở Nam Phi, Huawei cung cấp các khóa đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của đất nước, và năm nay họ cho ra mắt một khóa học chuyên môn về 5G.

Chính phủ Kenya đã ký một thỏa thuận trị giá 17,5 tỷ USD (tương đương 172 triệu USD) với Huawei vào tháng 4 để xây dựng một trung tâm dữ liệu và các dịch vụ dành cho thành phố thông minh.

Ảnh: SCMP
Huawei cung cấp chương trình giám sát "thành phố an toàn" ở Kenya. Ảnh: SCMP

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng cung cấp một chương trình giám sát an toàn cho toàn thành phố. Theo trang web của Huawei, sáng kiến này có thể ngăn chặn tội phạm nhắm vào người dân, khách du lịch, học sinh, người cao tuổi,…


Sáng kiến đã được triển khai tại thủ đô Nairobi của Kenya, cũng như đảo quốc Mauritius với 4.000 máy quay video giám sát “thông minh” được thiết lập tại 2.000 địa điểm trên khắp đảo quốc Ấn Độ Dương này.

Một số cơ quan truyền thông ở Mauritius đã lên án hệ thống này là một kiểu  “độc tài kỹ thuật số” của Trung Quốc. Trong khi Bộ trưởng Bộ An ninh của Ghana, Albert Kan-Dapaah cho biết, công nghệ giám sát video của Huawei giúp chính phủ bắt tội phạm.

Huawei Marine, công ty con sản xuất cáp quang dưới biển của Huawei đã giúp AU triển khai một hệ thống cáp ngầm dài 12.000km, kết nối châu Phi với châu Á.

Việc Huawei tăng cường vai trò ở châu Phi khiến khu vực này có thể trở thành nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. “Châu Phi bị mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại mà họ không cần phải tham gia, bởi vì họ chẳng thu được gì”, ông Nizard nói.

Theo SCMP