Huawei sau hai năm vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi kiêm Giám đốc tài chính Huawei ngày 1/12/2018, đánh dấu bước ngoặt trong vận mệnh của hãng này.

Paul Haswell, chuyên gia tư vấn công nghệ tại công ty luật quốc tế Pinsent Masons, cho biết: "Lo ngại từ phía Mỹ về công nghệ của Trung Quốc đã xuất hiện trước khi bà Mạnh bị bắt. Vụ bắt giữ đó chỉ là một phần của một loạt các vấn đề lớn hơn tiếp theo".

Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà riêng tại Vancouver, British Columbia (Canada) ngày 26/10. Ảnh: Reuters.
Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà riêng tại Vancouver, British Columbia (Canada) ngày 26/10. Ảnh: Reuters.

Ngoài việc bị cấm cung cấp thiết bị viễn thông cho các cơ quan chính phủ Mỹ, tháng 5/2019, Huawei còn bị liệt vào danh sách thực thể của Washington, ngăn cản hãng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ nước này.

Trong thông báo về lệnh cấm, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết Huawei và các công ty con của hãng "có các hoạt động đi ngược lại với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".

Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc do Mỹ đưa ra.

Nếu không có được giấy phép đặc biệt dành cho các mặt hàng quan trọng như chip hoặc hệ điều hành tiên tiến, Huawei cần phải đưa ra các giải pháp lâu dài để tồn tại mà không có công nghệ Mỹ. Ba tháng sau khi bị đưa vào danh sách thực thể, Huawei đã giới thiệu một hệ điều hành tự phát triển có tên Harmony OS. Hệ điều hành riêng vốn đã được Huawei nghiên cứu trong một khoảng thời gian nay phải đẩy nhanh hơn nữa để sẵn sàng có mặt trên thiết bị mới nếu mất quyền khai thác Android của Google.

Mọi sự chú ý đều nhắm tới HiSilicon, đơn vị thiết kế bán dẫn bí mật của Huawei với nhiệm vụ phát triển chipset cho các sản phẩm smartphone và thiết bị mạng. Chip do HiSilicon thiết kế được chế tạo bởi TSMC với mục tiêu dài hạn là thay thế các bộ phận từ các nhà cung cấp Mỹ, như Intel và Qualcomm.

Ban đầu, các lệnh trừng phạt dường như không ảnh hưởng nhiều đến Huawei. Năm 2019, công ty này đã báo cáo doanh thu kỷ lục 121 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tan Albayrak, luật sư từng làm việc tại Tổ chức Thương mại Thế giới và tòa án Mỹ, cho biết: "Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vào năm 2019 không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của Huawei vì nó chưa bào trùm rộng và chặt chẽ như hiện tại. Ngoài ra, Huawei đã mua dự trữ một lượng lớn chất bán dẫn cũng như tăng cường đơn đặt hàng từ TSMC đề phòng mất quyền tiếp cận sản phẩm công nghệ tiên tiến.

"Cú đánh" mạnh nhất xảy ra vào tháng 5 năm nay khi chính quyền Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ phải xin giấy phép để bán chip cho Huawei. Điều này đã mở rộng phạm vi lệnh cấm của Washington tới cả TSMC và đánh dấu một bước leo thang đáng kể của Mỹ khi cắt Huawei khỏi hầu hết các nhà cung cấp chip toàn cầu.

Albayrak hy vọng các nhà sản xuất chip của Mỹ sẽ tăng cường vận động hành lang tại Washington sau ngày nhậm chức của Biden - ngày 20/1 - với hy vọng các quan chức chính quyền mới sẽ sẵn sàng cân nhắc mặt kinh tế hơn và không chỉ tập trung vào an ninh quốc gia.

Thị phần của Huawei trên thị trường smartphone toàn cầu có thể giảm về mức 4% trong 2021. Ảnh: AP.
Thị phần của Huawei trên thị trường smartphone toàn cầu có thể giảm về mức 4% trong 2021. Ảnh: AP.

Albayrak cho biết: "Một phần đáng kể trong doanh thu của các nhà sản xuất chip Mỹ đến từ việc bán hàng cho Trung Quốc. Doanh thu này sau đó sẽ được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và R&D - điều kiện tiên quyết giúp một quốc gia luôn dẫn đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào".

Sang năm 2020, việc Mỹ kiểm soát chặt chẽ hơn về công nghệ và tác động của Covid-19 lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu cuối cùng đã ảnh hưởng đến Huawei. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của hãng chỉ tăng 9,9% so với mức tăng 24,4% cùng kỳ năm trước.

Hoạt động kinh doanh ở mảng doanh nghiệp vẫn là điểm sáng của Huawei. Tại hội nghị Connect 2020 vừa cuối tháng 9, chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping, cho biết họ có đủ chip trong kho để duy trì hoạt động kinh doanh thiết bị truyền thông, bao gồm cả các sản phẩm doanh nghiệp.

Sự hy sinh lớn nhất của Huawei đến vào cuối tháng trước khi hãng này quyết định bán mảng kinh doanh điện thoại thông minh Honor cho một liên doanh gồm 30 đại lý, nhà phân phối và doanh nghiệp, trong đó có nhà mạng China Telecom và một số đơn vị được chính phủ hậu thuẫn. Ông Nhậm ví hành động này giống như một vụ ly hôn và nói rằng điều đó là cần thiết để Honor, các nhân viên và nhà cung cấp của hãng không bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Mỹ và Huawei.

Haswell cho biết: "Huawei không có giải pháp nào khác ngoài việc phải thích ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ và linh kiện có nguồn gốc Mỹ, cũng như xem xét lại các thị trường mà họ có thể hoạt động. Đến cuối cùng, tôi nghĩ Huawei sẽ được hưởng lợi từ điều này vì trong nghịch cảnh thường xuất hiện đổi mới ".

Theo VnExpress