“Thời thế xô đẩy” khiến Apple có thể hợp tác
với Huawei?
Trong nhiều năm qua, Huawei đã tự phát triển các bộ vi xử lý và modem mạnh mẽ của riêng mình mà không mua của nước ngoài để chủ động trang bị cho một số lượng lớn thiết bị mà hãng này sản xuất. Cho đến nay, Huawei đã từ chối bán bất kỳ sản phẩm nào cho đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại có vẻ như Huawei đã suy nghĩ lại. Trang công nghệ Engadget đưa tin Huawei đang "mở lòng" để bán chipset 5G Balong 5000 của mình, nhưng chỉ cho một công ty là Apple.
Một thỏa thuận giữa Huawei và Apple sẽ là bất thường trong thời điểm này, khi mà chính phủ Mỹ đang khuyến cáo các nước không nên sử dụng thiết bị của Huawei. Kinh doanh chip không phải là sở trường của nhà sản xuất Trung Quốc, và đại diện Huawei cho biết hồi đầu năm nay rằng "chip Balong chủ yếu để hỗ trợ các sản phẩm thông minh của Huawei, như điện thoại và sản phẩm IoT, và hiện chỉ để sử dụng nội bộ".
Đối với Huawei - một công ty đang cố gắng trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm 2020 - cung cấp chip 5G cho một trong những đối thủ lớn nhất là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu hai công ty có tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào không. Cả Huawei và Apple đều không trả lời các yêu cầu bình luận tại thời điểm này.
Thực ra, sự “mở lòng” của Huawei là có lý do của nó. Apple dường như đang gặp khó khăn với nhà cung cấp modem duy nhất của họ là Intel. Intel hiện cung cấp các modem không dây cho các mẫu iPhone và iPad hiện tại. Cuối năm ngoái, Intel nói rằng modem XMM 8160 hỗ trợ 5G do họ sản xuất sẽ được đưa tới khách hàng vào nửa cuối năm 2019.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Fast Company trích dẫn một nguồn tin nặc danh cho biết Apple đã "mất niềm tin" vào Intel sau khi nhà sản xuất chip không đáp ứng được thời hạn phát triển. Khi được yêu cầu bình luận, một phát ngôn viên của Intel chỉ nói đơn giản rằng công ty "có kế hoạch hỗ trợ các thiết bị ra mắt vào năm 2020 với modem đa chế độ XMM 8160 5G".
Điều này đã được củng cố bởi một báo cáo của nhà phân tích Timothy Arcuri của hãng UBS vào tuần trước. Arcuri nói rằng hãng UBS “không tin rằng Intel có thể cung ứng modem 5G" và Apple "có nguy cơ không thể xuất xưởng iPhone 5G vào năm 2020".
iPhone 5G sẽ dùng modem Huawei? (ảnh: Engadget)
|
Trong khi đó, cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Apple với Qualcomm khiến cho khả năng của 2 công ty trong tương lai trở nên mờ nhạt. Hồi đầu tháng này, một bồi thẩm đoàn đã phán quyết rằng Apple phải trả cho Qualcomm 31 triệu USD vì vi phạm 3 bằng sáng chế. Hai công ty sẽ tiếp tục hầu tòa vào ngày 15/4 tới.
Có thể Apple và Qualcomm sẽ gác lại quá khứ và hợp tác với nhau trong tương lai, nhưng không rõ liệu họ có thể sắp xếp mọi thứ kịp thời để sản xuất iPhone 5G cho năm 2020 không.
Apple cũng sẵn sàng làm việc với các nhà sản xuất modem khác để sớm cho ra mắt iPhone 5G. Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Apple Tony Blevins cho biết công ty đã xem xét các chip 5G do Samsung và Mediatek sản xuất như một phần của một sáng kiến gọi là "Project Antique", vì họ không muốn dựa vào một nhà cung cấp nào.
"Toàn bộ khái niệm của Project Antique là tìm nhà cung cấp thứ hai," Blevins cho biết. "Không phải chúng tôi đóng cửa với Intel mà là chúng tôi không muốn họ là nhà cung ứng duy nhất".
Rõ ràng, Apple đang giữ một quan điểm cởi mở về việc sử dụng modem 5G của các nhà cung ứng, và Huawei cởi mở với ý tưởng về một thỏa thuận có thể được xúc tiến. Balong 5000 có vẻ giống loại chip modem mà Apple cần: Nó hỗ trợ cả mạng bán 6G và mmWave 5G, và tương thích ngược với mạng 2G, 3G và 4G LTE. Điều này sẽ cung cấp cho Apple khả năng sản xuất một chiếc iPhone hỗ trợ mạng 5G được xây dựng từ hạ tầng 4G hiện có, cũng như các mạng 5G "độc lập" tiếp theo.
Nếu Intel không còn được Apple tin tưởng nữa, trong khi Qualcomm chưa phải là một lựa chọn, Samsung và Mediatek cũng không thực tế, thì đề nghị mở của Huawei có thể giúp Apple tung ra iPhone 5G vào năm 2020. Nhưng liệu Huawei và Apple có thể bắt tay được với nhau? Dựa trên bối cảnh chính trị hiện tại, chúng ta có thể dự đoán rằng khó có sự hợp tác này. Dù vậy, không khó để thấy mối quan hệ cộng tác giữa Huawei và Apple có thể mang lại lợi ích cho cả hai công ty ở một mức độ nào đó.
Nói rộng ra, Huawei sẽ có được một khách hàng béo bở, cao cấp và mở ra một nguồn doanh thu hoàn toàn mới cho chính mình. Trong khi bản phát hành năm 2020 vẫn chưa chắc chắn, việc có một chip modem sẵn sàng để tích hợp và thử nghiệm sớm hơn sẽ giúp Apple có thêm thời gian để xây dựng iPhone 5G của mình một cách nghiêm túc.
Huawei Mate X sử dụng modem Balong 5000
|
Việc hợp tác với Huawei có thể giúp Apple cảm nhận về một trong những thị trường quan trọng nhất của mình. Đầu năm nay, CEO Tim Cook của Apple đã làm choáng váng giới truyền thông và thị trường bằng cách sửa đổi lại hướng dẫn bán hàng tại Trung Quốc, khi mà doanh số iPhone tại nước này sụt giảm nghiêm trọng. Hình ảnh Apple hợp tác với Huawei - một đối thủ nặng ký về chính trị và kinh tế tại Trung Quốc - sẽ chứng minh rằng Apple nghiêm túc trong việc tán tỉnh tầng lớp tiêu dùng đang lên của thị trường.
Apple không muốn một thỏa thuận?
Mặc dù mối quan hệ tiềm năng giữa Apple và Huawei có thể chứng minh có kết quả, nhưng rõ ràng, có rất nhiều lý do khiến Apple muốn tránh xa một thỏa thuận như thế này.
Đầu tiên, có một vài báo cáo gần đây nói rằng Huawei đã nhiều lần tiếp cận các nhân viên Apple và các đối tác chuỗi cung ứng nhằm đánh cắp bí mật thương mại của Táo khuyết. Huawei đã lừa dối một nhà cung cấp về một bản hợp đồng có khả năng sinh lợi để tìm hiểu thêm về cảm biến nhịp tim của Apple Watch. Ngoài ra, có một thông tin nói rằng một cựu nhân viên Apple khi xin việc mới tại Huawei cho biết công ty này quan tâm đến những gì họ có thể tìm hiểu về Apple hơn là khả năng làm việc của người đó.
Huawei đã lấy cảm hứng đáng kể từ Apple để thiết kế sản phẩm. Mặc dù họ đã thu được những đánh giá tích cực, nhưng loạt máy tính xách tay MateBook của Huawei trông gần giống với một số laptop của Apple - thật khó để tưởng tượng rằng Apple sẽ muốn có mối quan hệ với một công ty chuyên sao chép trắng trợn như vậy.
Matebook của Huawei có thiết kế tương tự như Macbook
|
Tất nhiên, Apple còn có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn: chính phủ Hoa Kỳ đã cấm các cơ quan liên bang sử dụng thiết bị của Huawei, và đã vận động khắp thế giới để các chính phủ đồng minh làm điều tương tự. Trong khi đó, Huawei đang kiện Hoa Kỳ về lệnh cấm đó và hiện hãng cũng đang vướng vào hai vụ kiện khác liên quan đến trộm cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt thương mại ở Iran.
Bằng cách tham gia vào thỏa thuận với Huawei - ngay cả khi các thiết bị đó chỉ được bán ở Trung Quốc - Apple có thể sẽ thấy mình phải đối đầu với chính phủ Mỹ. Nhưng Apple vốn cũng không có quan hệ tốt với chính phủ, nên việc liên kết công khai với Huawei có thể là điều mà CEO Apple Tim Cook muốn làm.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu