Theo báo cáo của Boston Consulting Group, Apple, Alphabet, Amazon, Microsoft, Samsung và Huawei chiếm 6 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng mới, tiếp theo là Alibaba, IBM, Sony và Facebook.
Bảng xếp hạng dựa trên khảo sát 2.500 giám đốc đổi mới sáng tạo toàn cầu và đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty trên bốn khía cạnh là: Chia sẻ tri thức toàn cầu, Sự đột phá trong ngành, Sự đánh giá của các chuyên gia uy tín trong ngành, Tạo ra giá trị.
Năm nay, Boston Consulting Group cũng đã bổ sung một yếu tố tính điểm mới, phản ánh sự đa dạng và cường độ đột phá các giới hạn của mỗi công ty, thông qua việc đánh giá khả năng phá vỡ các rào cản trong ngành và tham gia trong một loạt các thị trường bên ngoài của doanh nghiệp.
Là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei đã liên tục đầu tư hơn 10% doanh thu hàng năm vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong năm 2019, chi phí cho R&D của công ty là 131,659 tỉ CNY, chiếm 15,3% tổng doanh thu của công ty.
Trong lĩnh vực 5G, Huawei đã đầu tư 4 tỷ USD cho công nghệ này trong thập kỷ qua, đưa hãng trở thành công ty hàng đầu thế giới trong công nghệ di động thế hệ thứ 5. Để tiếp tục ứng dụng thương mại và thúc đẩy các đổi mới sáng tạo mới trong các ứng dụng 5G, công ty đã thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo chung 5G cùng với các nhà mạng trên toàn thế giới.
Theo báo cáo thường niên, Huawei đang chuyển mình từ mô hình Đổi mới sáng tạo 1.0 sang Đổi mới sáng tạo 2.0, có nghĩa là tạo đột phá trong lý thuyết cơ bản và phát triển các công nghệ cơ bản mới.
Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, Huawei đã công bố Chương trình Đối tác chống COVID-19, tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), văn phòng từ xa, chăm sóc sức khỏe thông minh và giáo dục trực tuyến, để hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch. Ví dụ, ứng dụng chẩn đoán hỗ trợ AI của công ty có thể đưa ra kết quả định lượng chụp cắt lớp (CT) trong vài giây và giúp các nhân viên y tế tuyến đầu phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19.