Tuy nhiên, việc triển khai phần mềm này còn gặp một số khó khăn như trình độ tin học của cán bộ y tế một số cơ sở còn hạn chế, thao tác chậm, không khai thác hết các tính năng của phần mềm. Tại các trạm y tế còn thiếu máy tính, theo quy trình cần 2 máy tính/cơ sở tiêm chủng nhưng hiện tại mỗi cơ sở chỉ có 1 máy.
Bên cạnh đó, phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia chưa kết nối được với các phần mềm đang quản lý các hoạt động khác của cơ sở tiêm chủng. Theo kế hoạch, từ ngày 1/6 tới 100% các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP sẽ triển khai phần mềm này, tiến tới thực hiện thống kê báo cáo hoàn toàn bằng phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng, đồng thời trực tiếp đến thăm trạm y tế phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm về thực hiện phần mềm này.Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế Hà Nội cần sớm nhân rộng triển khai phần mềm này, hướng tới mở rộng ứng dụng trên cả máy tính bảng và điện thoại di động. Thứ trưởng yêu cầu đơn vị thiết kế phần mềm cần đa dạng hóa các ứng dụng trong phần mềm quản lý để cả phụ huynh và cán bộ y tế có thể dễ dàng tra cứu lịch sử tiêm chủng của trẻ, nắm bắt được lịch tiêm chủng kế tiếp, đặc biệt phải đảm bảo tính bảo mật thông tin của đối tượng.
“Khi phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng rộng rãi sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiêm chủng, đồng thời giảm bớt sự vất vả và tránh sự nhầm lẫn của cán bộ y tế khi phải quản lý tiêm chủng bằng sổ sách như hiện nay”, Thứ trưởng chia sẻ.