Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; Bộ Khoa học và Công nghệ; các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực này ở Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, viễn thông, Bộ TT&TT luôn coi thông tin và truyền thông là phương thức để thực hiện các mục tiêu của thiên niên kỷ, đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, internet và đã đạt được những thành quả nhất định. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách, quy định về internet, đặc biệt là về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền “.vn” bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và tăng cường tính minh bạch đối với pháp luật về viễn thông, CNTT nói chung và những quy định về tên miền internet nói riêng.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng đánh giá cao sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của các diễn giả quốc tế, các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền của tổ chức sở hữu trí tuệ WIPO, tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ internet quốc tế ICANN và Viện Đào tạo Trọng tài và Hòa giải viên New Zealand, đặc biệt là Trung tâm Internet Việt Nam và Vụ Pháp chế trong việc tổ chức triển khai Hội thảo này nhằm giải quyết và hoàn thiện các chính sách về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ.
Thực tiễn quá trình triển khai thực thi pháp luật trong thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp về tên miền “.vn”. Tính chất đa dạng, đa ngành trên môi trường Internet đã làm phát sinh sự chồng lấn trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, Ngành, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thực thi pháp luật.
Do vậy, Hội thảo lần này là cơ hội để các chuyên gia pháp lý cao cấp trong và ngoài nước trao đổi và thảo luận về các quy định pháp luật hiện hành, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chính sách cũng như thực tiễn triển khai về giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các nhà làm luật, các chuyên gia pháp lý trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện chính sách giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam phù hợp với xu thế chung của thế giới và thông lệ quốc tế
Việc tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, tên tác giả, tác phẩm là vấn đề thường gặp khi giải quyết các vụ việc tranh chấp tên miền do thông lệ chung quốc tế coi tên miền Internet và Sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực độc lập.
Giải quyết vấn đề này, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau, thuộc về lĩnh vực quản lý của hai Bộ TT&TT và Bộ Khoa học Công nghệ. Theo đó, các xung đột trong trường hợp, đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền tác phẩm, tác giả,... được coi là các vụ việc tranh chấp.
Bên cạnh đó, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, từ cấp Luật (Luật Công nghệ thông tin) cho tới Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP), hay Thông tư do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT) đều quy định đây là tranh chấp tên miền, được xử lý theo các hình thức quy định tại Luật Công nghệ thông tin (theo ba hình thức: Thông qua thương lượng, hòa giải; Thông qua trọng tài; Khởi kiện tại tòa án).
Tuy nhiên, do Luật Sở hữu trí tuệ hiện còn tồn tại quy định coi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên các văn bản dưới Luật về vấn đề này (lĩnh vực Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) đang áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có đưa nội dung xử lý thu hồi tên miền như là một biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP) có nghĩa là sử dụng biện pháp hành chính để xử lý vụ việc tranh chấp tên miền.
Để giải quyết hài hoà vấn đề giữa quyền và lợi ích của các bên khi xung đột xảy ra, trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch để thống nhất khi xử lý các vụ việc liên quan.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe phổ biến thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” và sở hữu trí tuệ. Đặc biệt Hội thảo có sự tham gia và trình bày tham luận của các chuyên gia pháp lý nổi tiếng, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về tên miền và sở hữu trí tuệ như ông David H.Bernstein – Luật sư, Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) - Thành viên Hội đồng của Trung tâm Trọng tài WIPO và nguyên là Đồng Chủ tịch của Tiểu ban Luật Internet – Bộ phận giải quyết tranh chấp của American Bar Association (ABA); ông Jia Rong Low - Trưởng bộ phận chiến lược và sáng kiến - Văn phòng ICANN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các chuyên gia có kinh nghiệm tại Việt Nam về quản lý cũng như tư vấn pháp luật về công nghệ thông tin và sở hữu trí tuệ.
Theo MIC