BBC cho biết mặc dù phản đối lệnh cấm, song có “nhiều biện pháp khác” vẫn đang được các quan chức xem xét. Một quan chức giấu tên cho biết các nhà chức trách sẽ gặp nhau để tiếp tục thảo luận vào tuần tới tại Washington DC.
Như đã được thông tin, lệnh cấm mang laptop và tablet lên cabin máy bay này sẽ mở rộng một lệnh cấm đối với các thiết bị điện tử hiện đang được thi hành đối với một số chuyến bay đến Mỹ từ 8 quốc gia Hồi giáo. Quyết định này nhằm cấm các hành khách mang theo bất kỳ thiết bị điện tử nào “lớn hơn smartphone” lên cabin máy bay. Vào tháng 3/2017, Anh cũng đã tuyên bố một lệnh cấm tương tự đối với các chuyến bay từ 6 quốc gia trên thế giới.
Các quan chức Mỹ cho rằng lệnh cấm là một biện pháp chống các cuộc tấn công khủng bố, vì thông tin tình báo cho thấy ISIS đang phát triển loại bom nhỏ hơn có thể dấu trong các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không đã phản ứng, khuyến cáo rằng việc mở rộng lệnh cấm đến châu Âu sẽ khiến chi phí hàng không cao lên và gây ra những mối đe dọa an ninh mới.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói rằng việc mở rộng lệnh cấm sẽ khiến các hành khác mất 1,1 tỷ USD mỗi năm do thời gian đi lại lâu hơn và mất hiệu quả. IATA cũng nói biện pháp cấm này nếu mở rộng sẽ tác động đến khoảng 390 chuyến bay mỗi ngày. Lệnh cấm hiện này ảnh hưởng đến 350 chuyến bay mỗi tuần.
Trong một bức thư gửi Bộ An ninh Nội vụ Mỹ và Liên minh châu Âu, Giám đốc IATA Alexandre de Juniac đã kêu gọi các quan chức tìm kiếm “giải pháp thay thế”, như là công nghệ dò tìm bom mìn tốt hơn và soi màn hình kỹ hơn. Ông De Juniac cũng nói việc để các thiết bị điện tử trên khu vực hành lý của máy bay có thể làm tăng nguy cơ pin lithium-ion cháy nổ.