Xác định chuyển đổi số y tế sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), giảm tối đa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Y tế đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Đề án 06.
Chuyển mình
Thành công trước hết là ngành y tế đã chuyển xong toàn bộ dữ liệu thông tin tiêm chủng COVID-19 (hơn 250 triệu mũi tiêm) vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời, duy trì việc chuyển ngay các dữ liệu thông tin tiêm chủng COVID-19 phát sinh mới theo ngày; tiếp tục “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an để xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông về hệ thống ký hộ chiếu vắc xin, tạo thuận lợi cho người dân khi cần.
Bộ Y tế cũng đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẵn sàng sử dụng dịch vụ xác thực định danh cá nhân, chứng minh nhân dân và dịch vụ tra cứu thông tin công dân, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn cùng với Bộ Công an đánh giá an toàn thông tin, khắc phục các lỗi an ninh an toàn thông tin của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Một kết quả đáng chú ý là Bộ Y tế đã ban hành được quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và bước đầu đã chuyển 32/80 trường thông tin thuộc nhóm cơ bản về y tế từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, vào Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Hiện Bộ Y tế đã hướng dẫn các cơ sở KCB liên thông dữ liệu liên quan thủ tục cấp giấy chứng sinh, báo tử, phục vụ triển khai 2 thủ tục hành chính liên thông “đăng ký khai sinh — đăng ký thường trú — cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú — trợ cấp mai táng phí”; dữ liệu giấy khám sức khoẻ, để triển khai dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB sử dụng thẻ CCCD gắn chip có tích hợp mã thẻ BHYT, hoặc qua ứng dụng VNeID; đẩy mạnh triển khai việc thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các bệnh viện (BV) đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để triển khai hoạt động này.
Khảo sát về tình hình thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt của Bộ Y tế đến giữa năm 2022 cho thấy: Trong 47 Sở Y tế và 33 BV tuyến Trung ương, BV thuộc các trường đại học Y, Dược thì đã có 87.9% số BV triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 63.8% Sở Y tế có số cơ sở KCB đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ từ 50% trở lên. Trong đó, có 12/47 Sở Y tế có 100% cơ sở KCB đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số đã giúp ngành y tế hoàn thành thí điểm tại tỉnh Hà Nam việc thống kê, cập nhật thông tin dữ liệu về y bác sĩ, BV, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế... vào hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành hệ thống y tế của Bộ Y tế, làm cơ sở để ban hành quy định nhóm thông tin cơ bản về nguồn lực y tế và thống nhất với các bộ, ngành liên quan về phương án thu thập, cập nhật dữ liệu, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Từ những kết quả bước đầu về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đặt mục tiêu tiếp tục duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện, áp dụng tối đa công nghệ thông tin, công nghệ số đối với các thủ tục hành chính khác, kết nối, tích hợp trên công dịch vụ công quốc gia.
Bộ Y tế sẽ đưa vào vận hành phiên bản di động (cả Android và iOSO) của Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Y tế, để người dân, doanh nghiệp theo dõi việc xử lý, nộp bổ sung hồ sơ trên các thiết bị di động; hình thành các kênh giao tiếp, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là cơ sở dữ liệu thống kê y tế và bước đầu hình thành các cơ sở sở dữ liệu chuyên ngành về nhân lực y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, dược và mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý KCB, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, bệnh nhân HIV/AIDS, vệ sinh nhà tiêu và chất lượng nước sạch, môi trường cơ sở y tế. Điều này rất quan trọng để Bộ Y tế xây dựng được chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phù hợp.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã hình thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR) và bắt đầu triển khai tại các đơn vị, địa phương.
Tháng 4/2023, Bộ Y tế đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.1 trên cơ sở cập nhật các yêu cầu về nền tảng số y tế, các nhiệm vụ được Chính phủ giao và các yêu cầu chuyển đổi số y tế.
Thiếu sự tham gia của các bệnh viện
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn rời rạc, thiếu kết nối, liên thông, không đầy đủ các nhóm dữ liệu cần cho quản lý chuyên ngành.
Các hệ thống thông tin chủ yếu khai thác dữ liệu báo cáo nhập tay, chưa có hệ thống thông tin quản lý tổng thể nghiệp vụ đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế, vì vậy không quản lý được đầy đủ vòng đời, bảo đảm dữ liệu “đúng-đủ-sạch-sống”. Hạ tầng kỹ thuật về thiết bị máy chủ, lưu trữ, mạng kết nối và bảo đảm an toàn thông tin mạng chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số y tế.
Đặc biệt, Bộ Y tế cho rằng chuyển đổi số y tế, nhất là việc hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn thiếu sự tham gia của các BV hạng đặc biệt, BV trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành, do các BV thiếu kinh phí đầu tư tổng thể, đồng bộ hạ tầng và các hệ thống thông tin tại BV, trong khi công tác thẩm định, phê duyệt đầu tư các dự án có nhiều hạn chế.