Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Ba nhân tố làm nên thành công

Các khu vực đổi mới sáng tạo mới nổi trên khắp thế giới dù được hình thành theo nhiều cách khác nhau đều có điểm chung, đó là chứa đựng ba yếu tố: văn hóa bao dung với sự thất bại, tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân, và mọi chính sách đều đặt con người làm trung tâm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

VĂN HÓA: Đổi mới tư duy của các nhà hoạch định chính sách và người dân về văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dám suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, dám mạo hiểm và chấp nhận thất bại.

Văn hóa đổi mới sáng tạo là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. Cần hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí giáo dục văn hóa đổi mới sáng tạo từ cấp bậc tiểu học và triển khai các khóa đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên năm cuối các trường đại học. Gia đình và xã hội cổ súy cho người trẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn và theo đuổi các giấc mơ nghề nghiệp “không tưởng” thậm chí “điên rồ” ở thời hiện tại để có thể thành công, trở thành hiện thực đẹp trong tương lai; và quan trọng hơn, cần có văn hóa biết chấp nhận và bao dung với sự thất bại, không cười cợt, kỳ thị người thất bại để họ đủ tự tin vượt qua thất bại để đến đích thành công.

Hơn ai hết, các nhà hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo cần thấu hiểu các triết lý sâu sắc, rằng vùng an toàn là kẻ thù của sáng tạo, rằng cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra tương lai, “Tương lai thuộc về những người biết tin vào vẻ đẹp của những giấc mơ” (Eleanor Roosevelt) và “Để có được sự thay đổi thực sự, chúng ta cần có lòng dũng cảm để thấy dễ chịu với những gì không dễ chịu, thấy thân quen với những gì không thân quen” (Cheryl Yeoh -MaGICMalaysia).

Khi được hỏi về ba yếu tố làm nên thành công của hệ thống khoa học và công nghệ Phần Lan, ông Mikko Kosonen, Chủ tịch Quỹ SITRA Phần Lan, cho rằng, đó là tự do học thuật, năng lực của đội ngũ R&D, và lòng dũng cảm của các nhà khoa học dám thay đổi thực tại vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

NIỀM TIN: Hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lành mạnh nơi niềm tin là một trong những nhân tố cốt lõi quyết định thành công.

Để gây dựng niềm tin, các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới ba điều kiện cần, một là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong xã hội, đối xử công bằng và bình đẳng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, không phân biệt khu vực công lập hay tư nhân; hai là, sự minh bạch và liêm chính trong hệ thống quản lý hành chính công; và cuối cùng nhưng quan trọng nhất, đó là tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội, ý thức tôn trọng pháp luật và thi hành kỷ cương, pháp luật như một chuẩn mực đạo đức chung của mọi người dân, mọi tổ chức.

Cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho chia sẻ, niềm tin là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên thành công của đất nước Phần Lan. Ông đưa ra ví dụ rất đời thường, trong một lần ông lái xe đưa người bạn Nga đi trên cung đường đèo quanh co phía Bắc Phần Lan, dù không quan sát được người đi trên làn đường đối diện do khuất tầm nhìn, nhưng ông vẫn tự tin giữ tốc độ khi đến khúc ngoặt. Người bạn Nga thảng thốt hỏi Aho rằng ông không sợ bị đâm bởi người đi ngược chiều sao? Không có lý do gì để sợ, ông bình thản trả lời, đơn giản vì ông có niềm tin chắc chắn rằng, người ngồi sau vô lăng ở làn đường đối diện, cũng như ông, dù không nhìn thấy nhau nhưng sẽ luôn đi đúng làn của mình theo quy định của luật giao thông đường bộ. Tôn trọng pháp luật như một lẽ tự nhiên, cũng chính là bảo vệ tính mạng cho người khác và cho chính mình.

CON NGƯỜI: Con người - người dân, cần được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chính sách, mọi hệ thống đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Lợi ích của người dân là đích đến cuối cùng của mọi chính sách quốc gia. Khi thiết kế mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật hiện hành, nếu các nhà hoạch định chính sách biết đặt mình vào vị trí của người dân và doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, pháp luật, thì chắc chắn sẽ có được chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Việc đối thoại một cách thực chất với những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách là nền tảng cho tính khả thi, tính nhìn trước và tính bền vững của chính sách. Có nhiều phương pháp hiệu quả hơn khi trưng cầu ý kiến người dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp, xác định rõ các nhóm vấn đề cần xin ý kiến,…) hơn là chỉ đơn thuần đăng tải một cách hình thức các dự thảo văn bản trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

Xuất phát từ quan điểm tiếp cận vì con người, các nhà hoạch định chính sách đổi mới sáng tạo của Phần Lan đã diễn giải khái niệm PPP (Public Private Partnership - hợp tác công tư) thành hợp tác công tư vì con người (Public Private People), đặt người dân và quyền lợi của người dân vào trung tâm của chính sách và pháp luật. Họ cho rằng, giảm thiểu hành chính hóa hoạt động đổi mới sáng tạo bằng pháp luật thông qua bãi bỏ các văn bản không cần thiết cũng quan trọng, nhưng việc có được chính sách thông minh còn quan trọng hơn. Quan tâm tới thực chất mục tiêu phát triển, xuất phát từ người dân và vì chất lượng cuộc sống của người dân, quan trọng hơn việc chạy theo các chỉ số xếp hạng toàn cầu, vì phương pháp thống kê xếp hạng này chỉ mang tính tham khảo, và trong rất nhiều trường hợp, còn gây tranh cãi về mức độ tin cậy của các số liệu.

Các nhà hoạch định chính sách Phần Lan không ngần ngại nêu ví dụ điển hình về chính sách thông minh và hàm chứa triết lý đổi mới sáng tạo của người Thụy Điển. Năm 2009, Wolkswagen Thụy Điển và hãng quảng cáo DDB Stockholm đã xây dựng một chiến dịch gọi là “Lý thuyết niềm vui” (The fun theory) với quan niệm, tạo ra điều khác biệt thú vị có thể làm thay đổi hành vi của người dân theo hướng lành mạnh hơn, thay vì áp dụng các quy định pháp luật hay chế tài hà khắc. Để khuyến khích người dân đi cầu thang bộ lên xuống các ga tàu điện ngầm, chính quyền thành phố Stockholm đã thí điểm giải pháp biến các bậc thang bộ thành bàn phím dương cầm ở ga tàu điện ngầm Odenplan, Stockholm. Kết quả là phần lớn người dân chọn giải pháp đi cầu thang bộ tạo ra các âm thanh vui tai hơn là dùng thang máy. Tác động tích cực của giải pháp thú vị này là tiết kiệm năng lượng và quan trọng hơn, nâng cao thể trạng sức khỏe của người dân. Như vậy, chính sách có thể được thể chế hóa bằng pháp luật để điều chỉnh hành vi của người dân, nhưng chính sách thông minh và vì con người có thể làm thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực, tự nguyện thông qua các giải pháp đổi mới sáng tạo thực sự truyền cảm hứng.
-------
*Giám đốc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2).

Theo Tạp chí Tia sáng

http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/He-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-Ba-nhan-to-lam-nen-thanh-cong-10356