Các bị can này bị khởi tố về 3 tội danh: cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS); vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS) và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS).
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 1/11 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố thêm 16 bị can có hành vi đồng phạm với bị can Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Chủ tịch HĐQT VNCB.
Trong số 16 bị can bị khởi tố lần này có Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó Tổ giám sát VNCB, thành viên Hội đồng thành viên VNCB; Hoàng Việt Thắng, nguyên Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang; Lê Khắc Thái, nguyên Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn đều bị khởi tố về tội danh theo Điều 179 BLHS. Còn Lê Công Thảo, nguyên Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin của VNCB, bị khởi tố về tội danh theo Điều 165 BLHS.
Trong tổng số 50 bị can, có 14 bị can bị khởi tố điều tra về hai tội danh được quy định tại Điều 179 và 165 BLHS; 19 bị can về tội quy định tại Điều 179 BLHS; 13 bị can (trong đó có 10 giám đốc) về tội danh theo Điều 165 BLHS và 4 bị can về tội danh theo Điều 285 BLHS.
Cơ quan điều tra xác định, Phạm Công Danh và đồng phạm đã có những hành vi phạm tội như: năm 2013, Phạm Công Danh và Nguyễn Quốc Viễn, nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB; Nguyễn Thị Kim Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt lấy danh nghĩa trả tiền thuê mặt bằng làm trụ sở Ngân hàng VNCB tại phố Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh (TP Hồ Chí Minh) đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho hai Công ty Trung Dung và Hương Việt là hai công ty giúp cho Phạm Công Danh lấy pháp nhân. Sau khi chuyển tiền cho hai công ty này, Danh đã rút ra sử dụng cá nhân.
Cũng trong thời gian nêu trên, Phạm Công Danh và Nguyễn Quốc Viễn, Phạm Việt Thép, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại JSC An Phát, đã lợi dụng việc lập đề án hiện đại hoá về mặt quản lý ngân hàng trị giá hàng trăm tỷ đồng để tạm ứng hơn 60 tỷ đồng cho 2 công ty khác cũng do Phạm Công Danh điều hành.
Trên thực tế không có việc nâng cấp hiện đại hoá hệ thống quản lý ngân hàng mà toàn bộ số tiền tạm ứng được Danh rút ra tiêu cá nhân. Ngoài ra, Phạm Công Danh và đồng phạm đã chỉ đạo mượn sổ tiết kiệm mang danh nghĩa của 17 cá nhân làm tài sản bảo đảm vay hàng nghìn tỷ đồng cho Phạm Công Danh sử dụng cá nhân…
Cơ quan điều tra xác định, ông Tuân với chức trách nhiệm vụ được giao đã không báo cáo kịp thời hoặc có đề xuất biện pháp nhưng không quyết liệt ngăn chặn việc Phạm Công Danh và đồng phạm chuyển tiền ra khỏi VNCB liên tục trong thời gian dài, gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng cho VNCB.
Ông Hoàng Việt Thắng thực hiện không đúng quy trình, quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước và VNCB, giúp sức cho Phạm Công Danh rút gần 1.300 tỷ đồng. Còn ông Lê Khắc Thái đã thực hiện không đúng quy trình cho vay của Ngân hàng Nhà nước và VNCB, giúp sức cho Phạm Công Danh rút 950 tỷ đồng...
Điều đáng nói về bị can Phạm Công Danh, trước đó, ngày 12/3/1997, Phạm Công Danh được ra tù sau khi thụ hình bản án 6 năm tù về tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản XHCN”, "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân", nhưng không hiểu vì sao lại được bổ nhiệm và phê chuẩn chức danh cấp cao trong ngân hàng?
Bởi theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, Điều 19 "Những trường hợp không được bổ nhiệm chức vụ" qui định: Không bổ nhiệm chức danh Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc ngân hàng đối với những người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu, người đã từng bị kết án về các tội phạm nghiêm trọng trở lên… Như vậy, việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT cho Phạm Công Danh là có vấn đề.
Theo CAND