Phần lớn số ô tô các hãng này bán tại Mỹ đều được nhập khẩu từ nơi khác. Jaguar Land Rover được coi là dễ bị tổn thương nhất. Chỉ tính riêng tháng 5/2019, hãng xe Anh quốc này đã bán khoảng 9.358 chiếc ô tô trên thị trường Mỹ, nhưng lại không sản xuất bất cứ chiếc xe nào tại đây. Do đó, một mức thuế nhập khẩu 25% sẽ gây ra thiệt hại đặc biệt nặng nề.
Daimler và BMW cũng nằm trong nhóm chịu nhiều rủi ro, nhưng khác với Jaguar Land Rover, hai hãng này đã di dời cơ sở lắp ráp xe của mình tới Mỹ với các nhà máy ở Tuscaloosa, bang Alabama, và ở Spartanburg, bang Nam Carolina. Hoạt động sản xuất tại các nhà máy vẫn chỉ chiếm từ 30% đến 40% lượng xe bán tại Mỹ - nơi chiếm tới 15% tổng doanh số toàn cầu của các công ty này.
Các hãng xe hơi Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng xe châu Âu, bởi họ đều có cơ sở sản xuất lớn tại Mỹ. Theo công bố bảng xếp hạng “xe chuẩn Mỹ” gần đây nhất của trang Cars.com, một số mẫu xe được coi là chuẩn Mỹ nhất là sản phẩm của các công ty Nhật Bản.
Honda và Toyota sản xuất 9 trong top 15 mẫu xe đứng đầu danh sách trên - danh sách xếp hạng các dòng xe dựa theo nơi sản xuất, nguồn gốc linh kiện và số lượng nhân công Mỹ mà hãng sử dụng. 7 mẫu xe khác thuộc về Honda và 2 mẫu còn lại là của Toyota. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc như Huyndai hay Kia ít được bảo vệ hơn, khi một nửa lượng xe 2 hãng này bán tại Mỹ là xe nhập khẩu.
Theo Fitch, mức thuế nhập khẩu mới được đặt ra để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô của Mỹ như General Motors (GM) và Ford, nhiều khả năng sẽ không đem lại lợi ích lớn, bởi Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi các quốc gia khác có hành động đáp trả. Bên cạnh đó, biện pháp thuế quan của Washington có thể gây tổn hại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do quy mô và tác động rộng lớn của thị trường ô tô.
Hiện, hơn một nửa số ô tô nhập khẩu vào Mỹ đến từ Mexico. Cả Ford và GM đều có nhà máy sản xuất quy mô lớn tại đây. Hồi đầu tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp một loạt mức thuế quan mới, xuất phát điểm là 5% cho mỗi sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, trừ khi chính phủ Mexico có hành động kiềm chế số lượng người di cư đến Mỹ. Mối đe dọa đã khiến Mexico phải có hành động tại biên giới và sau chín ngày đe dọa, Tổng thống Trump đã từ bỏ kế hoạch này. Mối đe dọa tăng thuế mặc dù khiến các hãng ô tô đau đầu, nhưng đã không tạo ra bất cứ sự thay đổi nào đối với các dây chuyền cung ứng và lắp ráp tại Mexico.
Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, trong năm 2018, gần một nửa số xe được bán ở Mỹ là hàng nhập khẩu, tăng cao so với tỷ lệ 41% hồi năm 2010.
Theo VOV
https://vov.vn/oto-xe-may/oto/hang-xe-chau-au-nao-so-my-tang-thue-nhat-932215.vov