Quy mô này lớn gấp 6 lần chợ Garak – chợ đầu mối hiện đại nhất thủ đô Seoul.
Mặc dù là một trong những mặt hàng có lợi thế nhất trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), nhưng nông sản Việt Nam có một điểm bất lợi, theo ông Hongsun - Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), là Việt Nam chưa có một chợ đầu mối hiện đại – nơi tập trung nông sản của cả nước để đấu giá và bán lẻ, phân phối đi các nơi.
Tận dụng cơ hội này, ông Hongsun, cho biết một số tập đoàn Hàn Quốc đang đề xuất hợp tác với Chính phủ Việt Nam xây dựng một trung tâm chợ đầu mối hiện đại.
“Mô hình chợ đầu mối này phải ở quy mô 200 - 300 ha, đi cùng với các khu chức năng khác để cho hệ thống phát triển như khách sạn dành cho thương nhân mua sắm và những nông dân đến bán hàng, một trung tâm thương mại không chỉ dành cho 100% bán buôn mà còn bán lẻ... cùng rất nhiều khu chức năng khác. Mô hình đầu tiên tại Việt Nam phải làm như thế thì chúng tôi cho rằng mới có thể thành công” – ông Hongsun cho biết.
* Trung tâm đầu mối phía Hàn Quốc đề xuất dự định sẽ xây ở đâu và bao giờ sẽ xây?
Dự án chợ đầu mối hiện vẫn đang trong quá trình làm thủ tục. Chủ trương lãnh đạo Việt Nam đã đồng ý, nhưng về mặt thực tế còn rất nhiều vấn đề phức tạp vì đây không phải là một tòa nhà nhỏ, mà là diện tích khá rộng. Chúng tôi đang thực hiện khảo sát, tuy chưa xác định rõ ràng nhưng địa điểm xây sẽ nằm trong địa bàn Hà Nội.
* Hàn Quốc xây dựng mô hình chợ đầu mối như thế nào?
Chợ đầu mối Hàn Quốc là mô hình rất phát triển và hiện đại. Mô hình chợ đầu mối không dừng lại ở một cái chợ bình thường với diện tích một vài ha, mà đi cùng với nó là các chức năng ICT, tức công nghệ - thông tin và truyền thông, và đi kèm hệ thống đấu giá. Các sản phẩm thì có xuất xứ tại Việt Nam, cũng có thể đầu mối ở tại cả Seoul, Bắc Kinh hoặc Tokyo.
Hệ thống đấu giá giúp chúng ta quyết định giá cả theo thị trường, theo cung cầu.
Hiệu quả của mô hình này là tập trung hết các sản phẩm nông nghiệp, sau đó phân loại sản phẩm: Các sản phẩm tốt thì chuẩn bị các công đoạn tiếp theo để xuất sang nước ngoài, sản phẩm bình thường có thể để lưu thông ở siêu thị, chợ truyền thống; những sản phẩm khó để được lâu như cà chua có thể phân phối tới các nhà máy làm tương cà.
Đây là cách mạng trong nông nghiệp. Nếu ngày xưa chỉ đơn thuần là cách mạng về sản lượng, thì giờ là cách mạng trong phân phối hàng hóa.
Chi phí phân phối hàng hóa của Việt Nam khá đắt so với các nước tiên tiến khác. Trong khi ở các nước tiên tiến, chi phí logistics vào khoảng 10%, chi phí này ở Việt Nam là hơn 20%, tức tôi mua 1 sản phẩm giá 100 USD thì mất tới 20 USD cho vận chuyển. Điều đó rất bất lợi cho người tiêu dùng và người sản xuất. Việc cải thiện phân phối hàng hóa sẽ tạo điều kiện cho năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Bây giờ, chợ đầu mối của Việt Nam chỉ là Long Biên hoặc một số chợ nhỏ khác, trong đó đa số sản phẩm không biết nguồn gốc, xuất xứ ở đâu. Người bán hàng mở thùng hàng rồi bán lẻ bên ngoài chứ người tiêu dùng không thể biết đấy là sản phẩm an toàn hay không. Nhưng ở mô hình chợ đầu mối hiện đại, phải đưa ra được xuất xứ của sản phẩm đó ở đâu, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho người dùng.
* Hiện Hàn Quốc có bao nhiêu chợ đầu mối?
Seoul có vài chợ như vậy. Trong đó, Garak là mô hình chợ đầu mối phát triển nhất, hiện đại nhất và thành công nhất của cả thế giới. 50% tổng sản lượng của Garak đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho dân Seoul, 50% sản lượng còn lại sẽ đưa tới các cơ quan hải quan hàng ngày để kiểm dịch ngay tại chỗ. Chúng ta có thể truy ra sản phẩm ấy từ đâu đến và có an toàn hay không.
* Quy mô chợ đầu mối sắp xây ở Hà Nội so với các chợ đầu mối ở Hàn Quốc thế nào?
Quy mô các chợ đầu mối Hàn Quốc chưa đủ lớn. Những năm 1970s, chúng tôi chưa hình dung chợ đầu mối sẽ lớn lên bao nhiêu. Còn bây giờ, quy mô chợ đầu mối Hàn Quốc là 58 ha, nhưng chúng tôi rất hối hận vì không giữ được nhiều đất xung quanh. Nếu xây tại Việt Nam, quy mô chợ phải khoảng 200 - 300 ha. Bởi chỉ riêng chợ đầu mối không có tác dụng nhiều, mà phải đi cùng với các khu chức năng khác để cho hệ thống phát triển như khách sạn dành cho thương nhân mua sắm và những nông dân đến bán hàng, một trung tâm thương mại không chỉ dành cho 100% bán buôn mà còn bán lẻ... cùng rất nhiều khu chức năng đi cùng mới thành công.
Mô hình đầu tiên tại Việt Nam phải làm như thế thì chúng tôi cho rằng mới có thể thành công được.
* Với quy mô lớn như vậy, doanh nghiệp Hàn Quốc nào sẽ tham gia đầu tư dự án?
Đầu tư dự án này không chỉ là một công ty mà cần sự phối hợp với Tổng Công ty Nhà nước, và một số công ty tư nhân. Đây không đơn giản là một tòa chung cư hay một cái chợ, mà là một cái chợ khổng lồ. Chính vì thế, dự án phải được sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Dự án không chỉ đơn thuần là đầu tư tư nhân vì xây dựng chợ đầu mối là một thiết kế công cộng, vì vậy phải có hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt của Chính phủ Việt Nam mới có thể thành công được.
Bây giờ, một vài tổng công ty về nông nghiệp, một số tập đoàn nông nghiệp của Chính phủ Hàn Quốc và một số công ty tư nhân đang tham gia chuẩn bị dự án này.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Trí Thức Trẻ