Hàm lượng CO2 trong khí quyển chạm mốc 415 phần triệu (ppm) tăng cao nhất từ trước đến nay

VietTimes -- Số liệu mới nhất được công bố về hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển thực sự là một hồi chuông báo động với chúng ta. Loài người lại vừa phá vỡ một kỷ lục mới về môi trường. Tuy nhiên kỷ lục mới này đang dẫn đến sự sụp đổ của hệ sinh thái.
Ảnh: TechCrunch
Ảnh: TechCrunch

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, lượng carbon dioxide trong khí quyển đạt mức 415,26 phần triệu (ppm), theo phân tích của Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) thuộc Viện Hải dương học của Mỹ. Lần cuối cùng, nồng độ CO2 trong khí quyển Trái Đất đạt ngưỡng 400 ppm là khoảng 3 đến 5 triệu năm trước.


Con số đáng lo ngại này được ghi nhận bởi một phóng viên khí hậu Eric Holthaus đăng tải trên Twitter dựa trên dữ liệu của Viện Hải dương học Scripps tại Đại học California, San Diego. Nếu con số này tiếp tục tăng, nó sẽ là thảm họa đối với môi trường sống của con người.

Ảnh: PressForm
Ảnh: PressForm

Mới tuần trước, một báo cáo đã tiết lộ rằng có ít nhất 1 triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do lượng khí carbon thải ra môi trường ngày càng lớn. Đây là hậu quả tất yếu của quá trình phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng. Liên quan đến lượng khí thải carbon thải ra môi trường, Mỹ sẽ phải trả khoảng 500 tỷ USD mỗi năm vào năm 2090.

Ảnh: Vaaju
Ảnh: Vaaju

Khái niệm hiệu ứng nhà kính hẳn không còn xa lạ với chúng ta. Thuật ngữ này dùng để miêu tả hiện tượng nghẽn nhiệt trong bầu khí quyển Trái Đất do sức nóng của phần ánh sáng mặt trời không thể phản xạ ra bên ngoài. Việc tăng hàm lượng CO2 là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu ứng nhà kính. Việc tăng nồng độ các khí do loài người gây ra sẽ làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu (sự nóng lên của khí hậu toàn cầu) và như vậy sẽ làm thay đổi khí hậu trong các thập kỷ và thập niên kế đến.


Các nhà khoa học đã cảnh báo mức độ CO2 vượt qua ngưỡng cho phép có thể dẫn đến sự nóng lên toàn cầu vượt quá mức "an toàn", đồng thời thúc đẩy sự gia tăng mực nước biển. Những số liệu mới nhất về hàm lượng khí CO2 trong khí quyển thực sự là một hồi chuông báo động với loài người. Con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Có vẻ như chúng ta đang quá “tích cực” trong việc phá hoại hệ sinh thái. Liệu loài người đến khi nào mới “thức tỉnh”?

Theo TechCrunch