Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 12/2015 đến nay, cơ quan này đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (KTCN) tại 8 địa bàn hải quan nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TPHCM.
Tuy nhiên, các điểm KTCN chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Một số lý do là: diện tích mặt bằng các địa điểm kiểm tra có giới hạn; thiếu thiết bị kiểm nghiệm, lấy mẫu tại chỗ cho doanh nghiệp (DN). Nhiều điểm KTCN vẫn chủ yếu đóng vai trò là nơi tiếp nhận hồ sơ, lấy mẫu hàng hóa, sau đó vẫn phải đưa các trung tâm, cơ sở kiểm định chất lượng để giải quyết… Do vậy, thời gian thông quan hàng hóa chưa thực sự được rút ngắn, tạo được thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu.
Mới đây, theo cuộc khảo sát của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh với 240 DN và 20 hiệp hội DN về vấn đề kiểm tra chuyên ngành cho thấy, đa số phản hồi của các DN là khá bức xúc về tình trạng chồng chéo, nhiêu khê về thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Đơn cử tại điểm KTCN ở cảng Đà Nẵng, sau gần 9 tháng triển khai đưa vào hoạt động (từ 1/1/2016), mới chỉ tiếp nhận, xử lý 270 tờ khai của doanh nghiệp (DN), quá ít so với lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành… Trong khi đó, số tờ khai phải thực hiện KTCN qua đầu mối Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng lên tới 1.700 tờ, chiếm 70% tổng tờ khai của Cục Hải quan Đà Nẵng.
Nguyên nhân địa điểm KTCN cảng Đà Nẵng không thu hút được DN tham gia là do ở đây không có máy móc kiểm tra, chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ mẫu hàng, sau đó chuyển về các trung tâm kiểm định KTCN đặt tại TP. Đà Nẵng. Vì vậy, thời gian KTCN không được rút ngắn.
Tình trạng trên xảy ra với hầu hết các điểm KTCN: điểm KTCN nhưng khi nhận mẫu vật kiểm tra thường phải đưa vào nơi có đủ máy móc chuyên môn để thực hiện các bước phân tích, kiểm nghiệm lúc đấy mới trả về cho KTCN.
Ngoài ra, nhiều mẫu hàng còn phải qua vài đơn vị kiểm tra khác nhau mới có kết quả thông quan cuối cùng.
Vì vậy, từ ngày 19-30/9, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức đoàn khảo sát liên ngành nhằm đánh giá hoạt động của các địa điểm KTCN tại một số tỉnh, thành có lưu lượng hàng hóa lớn.
Kết quả của đợt khảo sát này sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các điểm KTCN như đầu tư trang thiết bị kiểm tra hàng hóa, hoàn thiện quy chế phối hợp, trách nhiệm giữa các cơ quan tham gia KTCN; giải pháp tuyên truyền để DN thấy rõ hơn lợi ích tham gia địa điểm KTCN.