“Hai lúa” bán cam Cao Phong giành giải Nhất cuộc thi “Nông dân với CNTT”

VietTimes -- Anh Bùi Văn Xuân đã xuất sắc vượt qua 62 nông dân xuất sắc nhất đại diện cho gần 15 triệu hộ nông dân Việt Nam để giành giải cao nhất với việc sử dụng máy tính và internet thành thạo, lập trang web để bán cam Cao Phong.
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho nông dân Bùi Văn Xuân
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho nông dân Bùi Văn Xuân

Cuộc thi “Nông dân với Công nghệ thông tin” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng VNPT đã thành công tốt đẹp. Theo Ban Tổ chức, qua vòng xét và thi tuyển được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố, 63 cá nhân xuất sắc nhất đại diện cho gần 15 triệu hộ nông dân Việt Nam đã quy tụ tại Hà Nội để tham dự vòng thi cấp quốc gia. 

Vinh danh 63 nông dân giỏi IT

“Nông dân với CNTT” 2016 là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức với mục đích tìm kiếm và vinh danh những nông dân có kỹ năng sử dụng, ứng dụng hiệu quả CNTT trong sản xuất nông nghiệp, qua đó đẩy mạnh phong trào ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, nông thôn trên toàn quốc, đẩy mạnh việc phát triển nền “nông nghiệp thông minh”.

Bên cạnh giải Nhất trị giá 30 triệu đồng được trao cho nông dân Bùi Văn Xuân đến từ tỉnh Hòa Bình, Ban tổ chức cuộc thi “Nông dân với CNTT” năm 2016 cũng đã trao 2 giải Nhì trị giá mỗi giải 20 triệu đồng cho các nông dân Trần Nam Trang đến từ Đồng Nai và Đỗ Anh Đức đến từ Thanh Hóa; 3 giải Ba trị giá 10 triệu đồng/ giải cho các nông dân Vũ Chí Quang (tỉnh Kon Tum), Nguyễn Minh Nhật (tỉnh Đồng Tháp), Hà Thị Thu (tỉnh Quảng Ninh); và 57 giải Khuyến khích trị giá mỗi giải 3 triệu đồng.

Thông tin từ Ban tổ chức cho hay, các thí sinh nông dân dự vòng thi quốc gia có tuổi đời còn khá trẻ, có năm sinh trong khoảng từ 1985 đến 1996. Qua trao đổi, tìm hiểu, tất cả các thí sinh bước đầu đều có những kiến thức nhất định về sử dụng CNTT như biết đánh máy tính, biết khai thác thông tin trên mạng Internet. 

Thậm chí, nhiều thí sinh nông dân đã có những ứng dụng CNTT vào sản xuất tại gia đình và địa phương. Đơn cử như, có những thí sinh đã lập trang web riêng đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên website để kinh doanh; nhiều thí sinh đã biết khai thác thông tin trên mạng Internet tìm kiếm các mô hình có tính ứng dụng cao để áp dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình mình. 

Ở vòng thi quốc gia, trong 60 phút, 63 nông dân đã trải qua các phần thi thực hành trên máy tính: Thi trắc nghiệm; Soạn thảo văn bản với nội dung về ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh của cá nhân, gia đình hoặc tổ nhóm liên kết sản xuất mà mình tham gia; Kỹ năng sử dụng mạng Internet để truy cập khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong trồng trọt, chăn nuôi… và Gửi - nhận thư điện tử.

Xây dựng nền “nông nghiệp thông minh”

Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh cơ hội lớn là thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, việc trang bị cho người nông dân kiến thức công nghệ, tiếp cận CNTT mới và hiện đại là một yêu cầu vô cùng cấp thiết.

Chia sẻ về vai trò của CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội Nông dân xác định CNTT là hết sức quan trọng, giúp bà con nâng cao kiến thức sản xuất đáp ứng với yêu cầu của thị trường hội nhập. Đứng trước xu hướng hội nhập, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt trong khối TPP.

“Hội nhập sẽ có cả cơ hội và thách thức. Thách thức lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi gia súc gia cầm. Nếu như bà con không được tiếp cận với CNTT, không thay đổi phương thức sản xuất với mong muốn làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả để thắng trong thời kỳ hội nhập thì có thể sẽ bị thua trên sân nhà, do đó việc tổ chức cho bà con nông dân học sử dụng máy vi tính và mạng Internet là hết sức quan trọng”, ông Môn nhấn mạnh.

Bên cạnh giải Nhất trị giá 30 triệu đồng được trao cho nông dân Bùi Văn Xuân đến từ tỉnh Hòa Bình, Ban tổ chức cuộc thi “Nông dân với CNTT” năm 2016 cũng đã trao 2 giải Nhì trị giá mỗi giải 20 triệu đồng cho các nông dân Trần Nam Trang đến từ Đồng Nai và Đỗ Anh Đức đến từ Thanh Hóa; 3 giải Ba trị giá 10 triệu đồng/ giải cho các nông dân Vũ Chí Quang (tỉnh Kon Tum), Nguyễn Minh Nhật (tỉnh Đồng Tháp), Hà Thị Thu (tỉnh Quảng Ninh); và 57 giải Khuyến khích trị giá mỗi giải 3 triệu đồng.