Hai bộ Công thương - Tài chính lại “nặng lời” vụ lỗ hổng thuế xăng dầu

VietTimes -- Chiều qua (23/3), Bộ Công Thương phát công văn phản ứng với phát biểu của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) khi “đổ” cho Bộ Công Thương về trách nhiệm chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới.
Hai bộ Công thương - Tài chính lại “nặng lời” vụ lỗ hổng thuế xăng dầu

Trước đó, tối 21/3/2016, ông Phạm Đình Thi đã trả lời trên truyền hình về trách nhiệm trong việc chậm ban hành mức thuế xuất nhập khẩu xăng dầu mới, chuyển từ ưu đãi sang bình quân gia quyền, để làm căn cứ tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Ông Thi đã phát biểu khẳng định "Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định".

Cho rằng, phát biểu của ông Thi không đúng, ngay trong ngày 23/3, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương đã ký văn bản, phản ứng khá gay gắt với phát biểu của ông Thi.

Công văn trên được gửi cho cả Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và một số Thứ trưởng 2 Bộ.

Theo văn bản của Bộ Công Thương, phát biểu của ông Phạm Đình Thi là "chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu".

Văn bản của Bộ Công Thương đã trích khá nhiều quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP để khẳng định Bộ Tài chính mới phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu mới, làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành xăng dầu.

Công văn của Bộ Công thương tô đậm những đoạn trích dẫn để “nhắc” Bộ Tài chính “đọc luật cho kỹ”

Cụ thể, Bộ Tài chính là cơ quan “chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu", và "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở" với các mặt hàng xăng dầu.

Còn trách nhiệm của Bộ Công Thương là "chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu" – căn cứ theo điểm đ, Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 83.

Nói cách khác, là Bộ Công thương chỉ lo điều hành giá bán, còn Bộ Tài chính là nơi xác định mức thuế nhập khẩu xăng dầu – công văn của Bộ Công Thương nhắc nhở Bộ Tài chính.

Theo Bộ Công thương, trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/3/2016, liên quan đến việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu khi có nhiều mức thuế suất khác nhau giữa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và các Hiệp định thương mại tự do, việc tính giá cơ sở của Tổ Liên ngành điều hành giá xăng dầu theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính là mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN.

Nội dung này, Bộ Công Thương đã trích trong Công văn số 17936/BTC-CST ngày 3/12/2015 của Bộ Tài chính với nội dung: Bộ Tài chính đã có văn bản nêu rõ trách nhiệm chính của mình trong việc xây dựng chính sách thuế và tính giá cơ sở.

“Lập luận” xong như vậy, công văn của Bộ Công thương tiếp tục “nhắc”: "Đề nghị đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (ông Phạm Đình Thi) tích cực, phối hợp trao đổi thông tin với Tổ Điều hành giá xăng dầu"...để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ đã quy định tại Nghị định 83/NĐ-CP và thông tin cho báo chí hiểu đúng mối quan hệ chủ trì, phối hợp trong xây dựng chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu.

Vậy là, dù cùng quản lý thị trường xăng dầu, nhưng hai Bộ Công thương – Tài chính không vì thế mà “đoàn kết”.

Tuy "nhắc" Bộ Tài chính về trách nhiệm và quyền trong xác định suất thuế nhập khẩu xăng dầu và phối hợp, "đoàn kết" trong cung cấp thông tin, nhưng Bộ Công thương lại "quên" chính Bộ cũng là thành viên phối hợp cùng Bộ Tài chính trong các hoạt động quản lý thị trường xăng dầu. Có nghĩa, chậm ra mức thuế bình quân gia quyền cũng có trách nhiệm của Bộ Công thương. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã "lời qua" khi quy kết trách nhiệm trong việc chậm ban hành mức thuế xuất nhập khẩu xăng dầu mới -chuyển từ ưu đãi sang bình quân gia quyền, để làm căn cứ tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu - cho Bộ Công thương, dẫn tới việc bị Bộ Công thương phát công văn "nhắc lại". Nên không rõ Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cuộc tranh luận với Bộ Công thương như nào.

Hai bộ Công thương - Tài chính lại “nặng lời” vụ lỗ hổng thuế xăng dầu

Thực ra, mẫu thuẫn giữa hai bộ Công Thương - Tài chính trong quản lý xăng dầu không phải là mới mẻ, mà đã kéo dài nhiều năm.

Còn nhớ, tháng 9/2011, khi ông Vương Đình Huệ vẫn còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, hai Bộ đã có màn tranh luận nảy lửa về trách nhiệm quản lý thị trường xăng dầu.

Theo đó, ông Vương Đình Huệ khẳng định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không trung thực, thế nên không có cơ sở tăng giá bán xăng dầu theo đề nghị của Bộ Công thương.

Ngược lại Bộ Công thương khẳng định quy định quản lý xăng dầu “rối rắm” có nguyên nhân từ cách tính thuế, tính giá bán lẻ "luẩn quẩn" của Bộ Tài chính.  

Sau màn tranh luận công khai này, quy định quản lý xăng dầu đã được hai Bộ “đồng thuận” cùng nghiên cứu sửa đổi, với kết quả cụ thể chính là Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã được Bộ Công thương viện dẫn để “phản pháo” Bộ Tài chính tại công văn ngày 23/3 nêu trên.

Tuy nhiên, thực tế thị trường xăng dầu, dưới "tài đạo diễn" của hai bộ này lại vẫn không bớt rối rắm. Thị trường xăng dầu vẫn chưa ổn định, nếu không nói là rất thiếu sự tin cậy khi liên tục thay đổi giá bán lẻ, và tỷ lệ thuế phí trong giá bán lẻ quá cao.

Đã thế, cũng chính quy định do hai bộ "liên thủ" cùng quản lý là nguyên nhân dẫn tới vụ "lỗ hổng" chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu, khiến doanh nghiệp nhập khẩu "lẳng lặng" trục lợi hơn 3.500 tỷ đồng.

Đây cũng là vụ việc khiến hai bộ quyết định "quản" thuế nhập khẩu xăng dầu bằng cách chuyển sang áp dụng mức thuế theo bình quân gia quyền. Chậm ban hành mức thuế mới chính là nguyên nhân của màn nặng lời mới nhất giữa hai bộ.