HAG cho biết, trong các năm trước đó, dựa theo tình hình khả quan của thị trường liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ban tổng giám đốc đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu là cao.
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn. Vì vậy, ban tổng giám đốc nhận thấy các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất nên đã quyết định điều chỉnh hồi tố BCTC đã kiểm toán năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp cho BCTC năm 2020 không tiếp tục bị ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
HAG tin rằng, việc trích lập dự phòng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của BCTC. Trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần dần.
Cơ sở nào cho HAG điều chỉnh hồi tố BCTC năm 2018, 2019?
Như VietTimes từng đề cập, trong BCTC hợp nhất Quý 4/2020, các khoản mục trên bảng cân đối kế toán của HAG tại ngày 31/12/2019 đã được trình bày lại. Công ty này đã điều chỉnh từ việc ghi nhận khoản lãi luỹ kế 290,8 tỉ đồng thành khoản lỗ luỹ kế lên tới 4.625 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, khoản lỗ luỹ kế được HAG ghi nhận tiếp tục tăng lên tới 5.086 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của HAG tại ngày 31/12/2019 được trình bày lại trong báo cáo Quý 4/2020 đã giảm đi 5.057 tỉ đồng do tăng dự phòng các khoản phải thu ngắn và dài hạn khó đòi.
Theo thuyết minh, trong năm 2020, Ban Tổng giám đốc HAG cho biết đã rà soát lại số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu và thực hiện điều chỉnh hồi tố.
Cụ thể, dựa trên ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2018, 2019 lần lượt là gần 7.595 tỉ đồng và 10.505 tỉ đồng, HAG đã quyết định trích lập dự phòng thêm 4.957 tỉ đồng cho năm 2018 và 99,8 tỉ đồng cho năm 2019.
Tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị trích lập dự phòng của HAG là 5.057 tỉ đồng. Trong đó, dự phòng cho khoản phải thu của CTCP Chăn nuôi Gia Lai là 3.412 tỉ đồng và dự phòng cho khoản phải thu của CTCP Lê me là 1.645 tỉ đồng.
HAG cho biết, cơ sở lập dự phòng của các khoản công nợ dựa vào các nguồn có thể thu hồi gồm tài sản thuần của CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Lê Me, sau đó cấn trừ đi các khoản phải, nguồn bảo lãnh của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT và các cá nhân có liên quan.
Trong năm 2020, HAG chuyển đổi 5.865 tỉ đồng dư nợ cho vay và nợ phải thu tại CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần. Qua đó, CTCP Chăn nuôi Gia Lai trở thành công ty con của HAG.
Việc chuyển đổi nợ tại CTCP Chăn nuôi Gia Lai khiến cho giá trị các khoản phải thu về cho vay dài hạn của HAG trong năm 2020 giảm mạnh từ 7.514 tỉ đồng xuống còn 1.783 tỉ đồng. Các khoản phải thu dài hạn khác giảm từ 748 tỉ đồng xuống 515 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, HAG cũng lần đầu tiên ghi nhận doanh thu bán heo với hơn 121 tỉ đồng, đóng góp hơn 13% vào tổng doanh thu Quý 4/2020.
Luỹ kế năm 2020, HAG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.084,8 tỉ đồng, tăng 48,6% so với năm 2019; lỗ sau thuế ở mức 2.174,7 tỉ đồng, lỗ đậm hơn năm trước gần 266 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của HAG đạt 36.300,9 tỉ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tiền nhàn rỗi giảm tới 61,8% xuống còn 97 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp hơn 3 lần lên 7.672,8 tỉ đồng, hàng tồn kho duy trì ở mức 2.286 tỉ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của HAG đạt 26.625,8 tỉ đồng, tăng 22% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản nợ vay là 18.103 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn./.