Không sợ nhưng không chủ quan
Tiếp chúng tôi vào chiều chủ nhật (8/3), mặc dù là ngày nghỉ nhưng ông Nguyễn Văn Tâm, Trạm trưởng y tế xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên vẫn đốc thúc công việc. Ông gọi thẳng xuống nhà người đang được cách ly: “Chú đang ở mô, đi mua hàng à, hôm nay ngày mười bốn chưa hè. Ừ, mười bốn, đi được rồi, nhưng cố nghỉ ngơi, ở nhà chơi. Có ai về tiếp thì báo cho xã hè...”
Đó là một nam thanh niên người xã đi XKLĐ ở Đài Loan mới về nước bằng đường hàng không. Lập tức cách ly 14 ngày dù không triệu chứng gì. Công việc của nhân viên trạm là ngày xuống 1 lần, hướng dẫn đo thân nhiệt 2 lần, theo dõi sát sao các triệu chứng bệnh. Riêng với ông Tâm, 2 ngày ông đích thân xuống nhà một lần – với tư cách Phó ban chỉ đạo phòng chống (có 1 cấp phó nữa là Trưởng công an xã, Chủ tịch xã là trưởng ban)
Ông lại điện thoại cho một phụ nữ cũng từ Đài Loan về, đang mang bầu 5 tháng. Chị này mới về chưa dùng điện thoại di động, ông phải “quản lý” qua người bố: “Em nó khỏe không, cố động viên em nó ở nhà nghỉ ngơi, giờ được 10 ngày rồi.”
Ở xã Cẩm Bình, ngày Chủ nhật, nhằm đúng ngày 8/3, mới 6h sáng, hệ thống loa các thôn đã phát đi lời chúc mừng đến các bà các mẹ. Tất cả các cuộc mít tinh chào mừng đều ngừng, hạn chế tụ tập đông người. Với nhiều phụ nữ nông thôn, ngày 8/3 là một ngày nhiều hoạt động, là dịp hội hè tổ chức đánh bóng chuyền giao lưu, ca hát, ăn uống… Nhưng giờ thì thôn phát loa, các hoạt động lập tức ngưng lại, dù tiếc nuối vì công tác chuẩn bị đã xong. Người dân ứng biến đồng thuận, thay hình thức tụ tập đông người bằng cách “nhóm họ” cấp thấp hơn – những gia đình thân thiết với nhau
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Là cấp cơ sở gần dân nhất, chúng tôi quán triệt triệt để chỉ đạo của thường vụ huyện ủy. Riêng hệ thống loa đài, ngày phát 4 lần, tất cả hoạt động tụ tập đông người đều hạn chế. Từ ngày 27/02- ngày thầy thuốc Việt Nam, mít tinh chào mừng, đánh bóng chuyền cũng dừng lại…”
Theo ông Hùng, xã có 4 trường hợp ở Đài Loan về, 2 người đã hết hạn, 2 người đang theo dõi. Ngoài ra xã đang tích cực theo dõi, phổ biến đến 132 con em đang ở nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Brunei) động viên họ và lập kênh thông tin, “nhờ” họ nếu biết ai sắp về thì báo trực tiếp cho xã
Ông Hùng cho biết, mới hôm qua, 7/03 dưới xóm 6 dân báo lên “có người Đài Loan” về lập tức cán bộ nhân viên đeo khẩu trang, mặc áo blu đến nhà. Mặc dù các trường hợp này đã ở TP.HCM 1 tháng nay, giờ mới về quê, nhưng ban chỉ đạo cũng động viên và phổ biến cặn kẽ
Người dân chủ động
Qua khảo sát của VietTimes - không phải đến tận ngày “bệnh nhân thứ 17” ở Hà Nội xuất hiện thì ý thức người dân sinh sống làm việc tại Hà Tĩnh mới nâng cao cảnh giác.
Mọi chuyện đã bắt đầu từ khi học sinh được nghỉ học
Chị Thủy, quản lý khách sạn Thiên Phú, TP. Hà Tĩnh cho biết tình hình kinh doanh của khách sạn vẫn ở mức bình thường. Khách sạn có quy mô trên 30 phòng, đối tượng khách quen – người địa phương là chủ yếu – nên công việc làm ăn “vẫn túc tắc”. Chỉ có khác, thay vì chở con đi học rồi mới đi làm thì cả tháng nay chị Thủy… chở con ra khách sạn, vừa làm việc vừa tranh thủ ôn bài cho cháu.
Anh Thành, chồng chị Thủy, làm giám sát viên thực phẩm dinh dưỡng Herbalife. Công việc hàng ngày của anh vẫn là hướng dẫn cho học viên, tiếp cận khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ.
“Tôi mới đi Vinh, đưa học viên đi tập huấn về. Mọi việc bình thường. Công việc kinh doanh cũng tiến triển vì “hàng hóa công ty dù nhập khẩu từ nước ngoài nhưng tỷ lệ có sẵn trong kho nhiều, sẵn sàng cung cấp”, anh Thành nói.
Ông Tuấn Anh, Phó phòng kinh doanh taxi Mai Linh Hà Tĩnh cho biết, từ Tết đến giờ doanh thu có giảm, lượng giảm đến từ khách hàng đi du lịch, lễ hội và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Hà Tĩnh. Lượng khách hàng địa phương có nhu cầu đi lại sinh hoạt, thăm thú vẫn bình thường.
Tài xế Mai Linh Hà Tĩnh được tập huấn hàng ngày về công tác khử trùng.
|
“Ở đây có khoảng 200 đầu xe. Đầu mùa dịch công ty ngoài Hà Nội đã gửi 1 lô khẩu trang y tế. Giờ tiếp nhận thêm 1 lô nữa cho lái xe và để sẵn trên xe", ông Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Tuấn Anh, hàng ngày chi nhánh đều tổ chức tập huấn cho lái xe, phổ biến cách phòng ngừa và nhận biết các triệu chứng. Ngoài các tiêu chí chung, Mai Linh Hà Tĩnh còn có 5 quy chế riêng của mình, dán thẳng lên xe nêu cao tinh thần phòng ngừa, cảnh giác
Anh Diên, lái xe taxi – du lịch tư nhân tại huyện Nghi Xuân thì lại có cách phòng ngừa riêng mình. Mua khẩu trang để sẵn trên xe, khi có khách thì bản than đeo, và phát cho khách đeo. Theo anh Diên, thu nhập tăng giảm không đáng kể vì chủ yếu chạy khách quen. Nhà hàng quán xá làm du lịch, phục vụ chuyên gia thì bị ảnh hưởng nhiều hơn. Có hiện tượng lạ – trái với cảnh nhà hàng, kinh doanh ẩm thực trả mặt bằng hàng loạt ở SG hay Hà Nội thì – ở đây, quán cà phê bình dân, quán cà phê phông thông vẫn giữ được khách, lượng khách mới như học sinh sinh viên được nghỉ học – cũng tăng lên
Với anh Duẩn, chủ quán Chăm Pa bán đồ ăn cho sinh viên Lào ở gần ĐH Hà Tĩnh thì công việc vẫn bình thường. Trong khu ký túc xá trường đều có nước rửa tay, khẩu trang phục vụ SV. Ra quán hàng, họ tích cực đeo khẩu trang. Quán phục vụ ngày 200 - 300 SV Lào, ý thức phòng ngừa rất nghiêm túc.
Anh cho biết, khi đi ra đường, đi chợ chỗ đông người tôi đều đeo khẩu trang, phòng ngừa cẩn thận.
Bác Cầm, một người Hà Tĩnh sống ở Hà Nội, giờ tranh thủ đưa con gái về “trú bão” chia sẻ: "Bác đã ở Hà Tĩnh cả 3 tuần nay. Mọi việc bình thường, hàng ngày vẫn đi xe máy thăm thú họ hàng. Còn con gái bác thì ở nhà, tranh thủ nhờ cháu là cô giáo dạy văn - cũng đang “thất nghiệp” – tranh thủ kèm thêm học hành".
Đến thứ 6 rồi đặt vé xe cao cấp ra Hà Nội, thì đùng cái báo mạng loan tin Hà Nội có người nhiễm COVID-19, học sinh tiếp tục nghỉ học. Thế là chấp nhận hủy vé! Cháu gái tiếp tục “đi học thêm” dài ngày và mẹ động viên “con tiếp tục ở lại”
Bây giờ thì những thực phẩm bác chuẩn bị mang ra Hà Nội như lươn chạch, bầu bí, rau sạch cá khô… vốn chất đầy tủ đông – sẽ mang ra làm đồ nhậu!
Cái nhìn học hỏi từ nông thôn
Ở thành thị, nhà ai biết nhà nấy khác với ở nông thôn, nhà này biết chuyện nhà kia, quan tâm nhau hơn. Cũng từ đó, nếu ở thành thị, người đi du lịch từ vùng dịch về còn đi lang thang thì ở nông thôn thì chưa kịp về thì thông tin đã lan tỏa đầy đủ.
Đó là thực tế và cái nhìn này cần phổ biến học hỏi để nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng dịch.
Một người dân địa phương mua sắm hàng siêu thị về. Hàng hóa vẫn đầy đủ, chưa có hiện tượng tích trữ.
|
Theo ông Tâm trạm trưởng trạm y tế Cẩm Hưng thì “người dân nông thôn có ý thức, chấp hành tốt”. Một người nếu từ vùng bệnh trở về, thì lập tức xóm làng biết chuyện, tin đẩy ngay lên cho chính quyền nắm bắt. Bản thân người về cũng ý thức cao, ngại đi tiếp xúc ra ngoài, sợ điều tiếng nọ kia – khi bao ánh mắt cận kề đang hướng về mình.
Ông Tâm đơn cử một ví dụ sinh động: “Như dịch tả lợn châu Phi vừa rồi, chẳng hạn một nhà làm con lợn, mời hàng xóm ăn vào thời điểm này thì bản thân người được mời e ngại. Họ không muốn ảnh hưởng.”
Có lẽ, nhờ những kinh nghiệm thực tiễn này mà công tác phòng chống COVID-19 tại địa phương trở nên bình tĩnh, kinh nghiệm hơn. Như họ đã từng quen với cảnh phun vôi, khử trùng, dựng barie rào chắn ngăn dịch bệnh từ gia cầm gia súc
Hay như với anh Duẩn, vừa là chủ quán bán hàng ăn cho sinh viên Lào, vừa là môt chủ trang trại – cũng từng nhiều đợt bị dịch bệnh gây khó khăn – thì mọi chuyện bình thường, “quan trọng là phải bình tĩnh để ứng phó”…
Kết lại cho cuộc khảo sát, đa số người dân khi được hỏi đều phản ứng khó chịu, gay gắt thậm chí lên án những người không có ý thức phòng bệnh, để dịch bệnh lây lan từ mình, không khai báo… Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy đinh, chế tài xử phạt nặng tay hơn. Trong nước, đã từng phòng chống cách ly tốt. Giờ cần có biện pháp ngăn chặn bắt buộc ngay từ sân bay cửa khẩu, khai báo, cách ly ngay thậm chí cưỡng chế hạn chế rủi ro phát tán dịch bệnh