TP Hà Nội vừa hoàn thành việc lấy ý kiến các đơn vị liên quan cho “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe phải có vị trí phù hợp với các tuyến giao thông của Thành phố, đáp ứng diện tích nhu cầu từng khu vực với loại hình bến bãi, đảm bảo cự ly đi bộ hợp lý.
Đối với khu vực nội đô lịch sử do hạn chế về quỹ đất nên cần tận dụng tối đa các điểm, bãi đỗ đã có, khai thác triệt để các quỹ đất khác xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe nhiều tầng và sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa (dùng thang máy) để cải tạo, xây dựng nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu về nơi đỗ xe cho các loại phương tiện giao thông.
Kết hợp với tổ chức giao thông, sử dụng, phân bố lại dân cư, hệ thống công trình công cộng và dịch vụ thương mại để hạn chế hoạt động và nhu cầu đỗ của phương tiện giao thông nói chung và ô tô nói riêng trong khu vực.
Theo dự thảo, các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm và Mỹ Đình được chuyển thành các bãi đỗ xe công cộng và bãi trung chuyển. Trong đó, bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ đóng cửa từ năm 2020, hai bến còn lại dừng hoạt động từ năm 2030.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thành phố sẽ xây dựng mới 6 bến xe khách liên tỉnh gồm: Nội Bài (xã Phú Cường, Sóc Sơn: 10ha), Đông Anh (xã Uy Nỗ, Đông Anh: 5,3 ha); Cổ Bi (xã Cổ Bi, Gia Lâm: 10ha); Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng: 15ha); Phía Tây (Hoài Đức: 5ha); Phía Nam (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì: 11 ha) và duy trì hoạt động bến xe Yên Nghĩa.
Các bến xe khách liên tỉnh mới phải được xây dựng nằm trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4), theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc.
Hiện nay, toàn thành phố có 9 bến xe liên tỉnh với tổng diện tích khoảng 17,9 ha bao gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm, Lương Yên, Sơn Tây, Trôi, Phùng.
Có 3 bến xe khách nội tỉnh là Cổ Đô (huyện Ba Vì), Đúc Khê (huyện Mỹ Đức), Thường Tín (huyện Thường Tín). Ngoài ra còn một số điểm đón trả khách nhỏ lẻ.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn TP tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông ô tô, xe máy tăng nhanh, bình quân trên 15%/năm với xe máy và 7-8%/năm với ô tô tạo ra áp lực lớn lên hệ thông kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe,...) trong khu vực nội đô bố trí chưa phù hợp và còn rất thiếu.
Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống bến bãi xe khách, xe tải, trung tâm tiếp vận phụ vụ hàng hóa liên tỉnh dẫn đến tình trạng các phương tiện vận tải lưu đầu lòng vòng, chở hàng bằng phương tiện có kích thước lớn vào trung tâm gây mất an toàn giao thông, ách tắc và khó quản lý.
Mặt khác, các bến xe khách tại các vị trí tốt đều quá tải khiến cho việc tổ chức giao thông, phân lường vận tải hành khách liên tỉnh gặp nhiều khó khăn, tổ chức đón trả ra vào bến xe chưa hợp lý, kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài chưa đồng bộ.