Theo Sở GTVT Hà Nội, 8 năm qua, Hà Nội đã giảm được 70% số “điểm đen” ùn tắc giao thông (UTGT). Nếu năm 2010, Hà Nội có tới 124 “điểm đen” ùn tắc giao thông thì đến năm 2016, con số này chỉ còn 41 điểm.
Tuy nhiên, do một số công trình trọng điểm như: Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông... đang thi công, cộng với sự gia tăng đột biến của phương tiện cá nhân nên phát sinh thêm 17 “điểm đen” mới.
Ngoài ra, theo thống kê của Hà Nội, tính đến tháng 11/2016 mạng lưới xe buýt Thủ đô đã có 97 tuyến, trong đó có 73 tuyến trợ giá, 11 tuyến không trợ giá, 9 tuyến kế cận, 4 tuyến thí điểm; với trên 1.500 phương tiện, tổng chiều toàn mạng lưới trên 1.700 Km. Năm 2008, xe buýt chỉ đạt tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng 7%, đến năm 2016 đã đạt tỷ lệ đảm nhiệm 20%.
Về hạ tầng, giai đoạn 2008 - 2016, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, TP Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại một số nút giao trọng yếu như: Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, Lê Văn Lương – Láng… cùng hơn 80 công trình giao thông quan trọng, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nhiều dự án giao thông quan trọng do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn TP như: Cầu Nhật Tân; đường Nhật Tân - Nội Bài; vành đai III trên cao; nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai... cũng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng kết nối giao thương giữa Hà Nội với Vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.