Hà Nội không muốn người nghèo ở lẫn người giàu

 Hà Nội đề nghị HĐND TP cho phép chủ đầu tư không phải dành 25% diện tích đất (hoặc sàn) để làm nhà ở xã hội khi xây dựng các khu đô thị cao cấp vì cho rằng, xây nhà ở xã hội cùng với nhà ở cao cấp là "không tương thích"...
Hà Nội không muốn người nghèo ở lẫn người giàu

Người nghèo ở lẫn người giàu là "không tương thích"?

Lý giải về đề xuất nói trên, tại Báo cáo về kết quả thực hiện Luật Thủ 2015, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phân tích: Về tỷ lệ 25% diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trên 10ha theo quy định tại Nghị quyết 06/2013 của HĐND Thành phố, trong quá trình thực hiện đã gặp vướng mắc. Theo đó, đối với một số dự án xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở cao cấp thì việc bố trí 25% diện tích đất ở hoặc 25% quỹ sàn nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong cùng một dự án là rất khó.

Quy hoạch dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp và nhà ở xã hội là không tương thích với nhau trong khi chung hạ tầng kỹ thuật, hơn nữa do chung hạ tầng kỹ thuật nên giá căn hộ, giá dịch vụ trong khu đô thị hoặc dự án nhà ở cao cấp là rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân là đối tượng được mua nhà xã hội” – báo cáo nêu quan điểm.

Để giải quyết vấn đề này, Thành phố đề nghị HĐND Thành phố cho phép đối với các Dự án khu đô thị, nhà ở cao cấp có diện tích trên 10ha thì Chủ đầu tư được lựa chọn chuyển giao diện tích nhà ở, đất ở theo tỷ lệ quy định tại Nghị quyết 06/2013 của HĐND Thành phố hoặc được nộp tiền tương đương với giá diện tích phải dành phát triển nhà ở xã hội của Thành phố.

Quan điểm này thoạt nghe có vẻ hợp lý, bởi nhiều người cho rằng, người nghèo, người ít tiền thì phải chấp nhận ở xa trung tâm, đến những khu hẻo lánh, hạ tầng xã hội tạm bợ, chất lượng kém... Chính vì cách nhìn nhận này nên ngày càng có nhiều người nghèo Thành phố phải miễn cưỡng rời khỏi nơi sinh sống từ nhiều đời của họ đến ở các khu chung cư tái định cư, khu nhà ở xã hội với hạ tầng kém, thiếu các điều kiện cơ bản như trường học, chợ, vườn hoa cây xanh..., mà nhìn vào những khu đó, người ta nhận ra ngay là nơi ở của những người “tầng thấp”. Những người nghèo đã buộc phải đi để nhường lại các vị trí “đất vàng” cho người giàu từ nơi khác đến.

Tuy nhiên, số nhiều hơn vẫn “cố thủ” ở lại trong các khu nhà sập sệ, thiếu diện tích tối thiểu để được hưởng phần hạ tầng xã hội mà họ có quyền được hưởng. Và, có một thực tế là nhiều nhà chung cư ở các khu vực xa trung tâm, dù có giá rẻ hơn nhiều lần trong nội đô mà vẫn ế ẩm, góp phần vào việc tồn đọng bất động sản.

Cần có nhà giá rẻ trong các khu đô thị hiện đại

Trao đổi với VnMedia, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, không nên tách biệt người giàu và người nghèo ra thành những khu vực riêng biệt.

“Hiện nay, quan điểm của những người làm chính sách và những nhà kinh doanh đang coi nhà ở chủ yếu chỉ là nơi ở, nhưng không hiểu rằng nhà ở không chỉ là cái mái che lên đầu mà phải có dịch vụ kèm theo, và điều quan trọng hơn là tạo ra thu nhập cho người ở đó, thứ mà người ta vẫn gọi là sinh kế.

“Ví dụ, hiện nay đất ở nông thôn rộng nhưng họ phải bỏ vào thành phố kiếm sống. Vậy thì nếu làm nhà ở xã hội ở xa thì không phù hợp cho việc kiếm ăn của họ. Người nghèo Thành phố cũng vậy. Họ có thể ở trong những căn nhà chật hẹp, nhưng vẫn có công việc, có thu nhập để nuôi con ăn học. Hơn nữa, nhà ở xa, chi phí xăng xe rất tốn kém, lại không có chợ dân sinh, nơi có thể mua hàng với giá bình dân... 

“Ngược lại, tôi có một người bạn nhà ở khu Ciputra, ông ấy bảo ở đó muốn ăn gói xôi cũng phải đánh ô tô đi. Điều này cho thấy, cách quy hoạch là không hợp lý. Chỗ ở dù sang trọng đến mấy, nhưng nếu không tiện ích, không thân thiện thì cũng không thu hút được người đến ở.” – TS Phạm Sĩ Liêm nói.

Theo ông, tư duy quy hoạch trên thế giới hiện nay coi trọng nguyên tắc sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng chứ không phải là những khu nhà chỉ để ở. Điều này có thể chống lại sự nhàm chán của những khu đô thị mới mà thực chất chỉ như một “thành phố ngủ”, tức là nơi chỉ để người ta về ngủ.

Đặc biệt, ở những nơi ấy, người giàu và người nghèo sẽ cùng cộng sinh. Người nghèo có thể cung cấp dịch vụ như dọn vệ sinh, bán những mặt hàng thiết yếu… và như vậy, người ta có thể kiếm sống ngay trong khu ở. Ngược lại, người giàu cũng có thể trả tiền để được tận hưởng những dịch vụ tiện ích, phù hợp với văn hóa tiêu dùng và nhu cầu của họ.

“Một đô thị đa chức năng tạo ra một cộng đồng gắn kết với nhau hơn và quan trọng là tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm bớt ách tắc giao thông, môi trường sống đảm bảo, ít tốn năng lượng và dễ thu hút người đến ở hơn, làm nâng cao giá trị bất động sản, đô thị thu được lợi, đóng góp cho ngân sách tốt hơn.” – TS Phạm Sĩ Liêm nhận định.

Theo TS, ở Hà Nội, những khu đô thị mới phải coi trọng nguyên tắc đa chức năng, không nên chỉ chú trọng vào việc xây riêng rẽ những tòa nhà, khu nhà ở đơn thuần. Nguyên tắc này cũng cần áp dụng trong việc cải tạo chung cư cũ, không thể chỉ tính đến việc phá và xây lại những tòa nhà riêng lẻ mà phải đặt trong cả một quy hoạch chung, có đầy đủ hạ tầng xã hội, không gian công cộng và người nghèo cũng phải được hưởng những hệ thống hạ tầng đó.

Ông cho rằng, Thành phố nên tạo điều kiện xây những tòa nhà khoảng 20 tầng, trong đó bán giá cao những tầng 1, 2, 3 để làm kinh doanh, rồi các tầng cao hơn bán căn hộ tương đối sang trọng. 8 tầng trên cùng có thể làm những căn hộ nhỏ bán hòa vốn hay giá rẻ, làm nhà tái định như, nhà ở xã hội… Lấy lãi này bù cho thiệt kia. Nếu ai đưa ra dự án như vậy thì Thành phố tạo điều kiện. Tiền thuế của những tầng cao thì giảm… như vậy, tạo ra điều kiện cho người giàu và người nghèo cùng được hưởng hạ tầng xã hội như nhau.

“Tư duy hiện nay về nhà ở trên thế giới người ta muốn cho người giàu và người nghèo ở cùng, không nên tách họ ra, bởi nó sẽ tạo nên sự gắn kết chứ không phải là sự nghi kỵ và đặc biệt là tạo điều kiện cho người nghèo kiếm sống.”  - TS nhấn mạnh và cho rằng, cách để người giàu và người nghèo cùng “cộng sinh” trong các khu đô thị sẽ không làm cho người nghèo có cảm giác bị phân biệt đối xử vì bị “đẩy ra”.

TS. Phạm Sĩ Liêm đề xuất, những đô thị lớn như Hà Nội nên làm thí điểm trước. “Chúng tôi cũng từng đề nghị thí điểm cải tạo khu tập thể Giảng Võ nhưng Thành phố chưa có ý kiến. Nếu không áp dụng cách này, người ta sẽ chỉ tập trung vào phá và xây lại những tòa nhà ở vị trí đất vàng, còn ở những khu vực bên trong sẽ không có ai ngó ngàng tới.” – TS. Phạm Sĩ Liêm khẳng định và điều này đang là một thực tế.

TheoVnMedia