Theo đánh giá, hệ thống đã giúp người dân rút ngắn thời gian tìm chỗ đỗ xe và tạo ra sự minh bạch trong hoạt động trông giữ xe. Sau hơn 1 tháng triển khai, ứng dụng Iparking thử nghiệm tại Hà Nội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người sử dụng với có 14.500 người tham gia vào hệ thống.
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội, nhiệm vụ thực hiện triển khai nâng cấp hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông để giảm thời gian ùn tắc giao thông, rà soát, nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ quản lý giao thông, làm cơ sở hình thành hệ thống giao thông thông minh luôn được coi là một trong những ưu tiên của Hà Nội trong công tác xây dựng chính quyền điện tử.
Theo báo cáo của Hà Nội, hiện Thành phố đang phối hợp với Công ty Cổ phần FPT xây dựng giải pháp triển khai hệ thống giao thông thông minh bao gồm xây dựng Khung kiến trúc Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội và triển khai một số hệ thống thành phần trong giai đoạn 2017 – 2020.
Cụ thể, gồm có hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh (giám sát, ghi nhận hình ảnh tội phạm đường phố, tội phạm nơi công cộng, các hoạt động liên quan đến biểu tình và tập trung đông người ...; điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn); Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô; Hệ thống phần mềm chỉ huy, điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội cũng đã nhận được sự ủng hộ và đề nghị giúp đỡ của nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh.