Hạ cốt đê sông Hồng: Chọn phương án còn 13,5m, hay 12,4m?

VietTimes -- Về vấn đề hạ độ cao đê sông Hồng tại đường đê Nghi Tàm, phía Hà Nội đề nghị hạ độ cao đoạn đê trên xuống còn 12,4 m, còn Bộ NN&PTNT đề nghị hạ độ cao nền đê ở mức 13,5 m, trong khi đó cao trình lũ thiết kế là 13,4 m.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày 13/2 tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với Hà Nội và các nhà khoa học về việc Hà Nội đề xuất hạ độ cao đường đê Nghi Tàm (dài khoảng 1,1 km) để mở rộng đường giao thông và làm cầu vượt giao thông qua nút giao đường Thanh Niên – cửa khẩu An Dương, các bên vẫn chưa thống nhất về độ cao hạ đê.

Đối với đề xuất hạ cao trình đê xuống còn 12,4m, Bộ NN&PTNT cho biết, với độ cao này Hà Nội sẽ làm được 4 làn xe, hai cơ giới và hai thô sơ. Nhưng phía khi tính toán đến nguy cơ mùa mưa lũ, nếu hạ thấp cao trình hơn mực nước thì có thể sẽ gây nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Ngoài việc hạ độ cao đê, Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã thống nhất hầu hết với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT cũng đồng ý đề xuất hạ đê và thay vào đó là làm bức tường bê tông cốt thép chắn sóng hình chữ L (giống như tường đê Yên Phụ hiện tại-PV) với mức 15,4 m, cao hơn đường đê hiện tại 0,2 m”. Bức tường bê tông này, chiều ngang mỏng đi, còn chiều cao vẫn giữ như hiện tại là 15,4 m. Khi có bức tường này rồi mới hạ độ cao xuống dương 12,5 m để làm nền đường.

Trước đó, vào tháng 10/2016, Hà Nội đã lần đầu có đề xuất với Bộ Nông nghiệp về vấn đề hạ độ cao đê sông Hồng.

Trong văn bản gửi Hà Nội tháng 12/2016, Bộ Nông nghiệp khẳng định đê hữu Hồng là tuyến đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Hà Nội. Bộ đã đề nghị Hà Nội lựa chọn phương án thiết kế đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ không thấp hơn 13,5 m. 

Ngày 24/1/2017 Hà Nội lần thứ hai có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4 m.

Với cao độ nay mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, thuận lợi cho người dân dọc tuyến đường tiếp cận ra vào an toàn. Phương án còn tạo điều kiện mở rộng mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe..., tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố.

Ngoài nội dung trên tại cuộc họp bàn, các ý kiến của chuyên gia cũng góp ý về phương án làm cầu vượt qua nút giao đường Thanh Niên- cửa khẩu An Dương phải đảm bảo an toàn cho hệ thống đê Nghi Tàm; đê Yên Phụ.

Trong đó, các chuyên gia cho rằng, nếu làm cầu vượt sẽ có rất nhiều phương tiện giao thông lưu thông gây chấn động đến nền đê. Vì thế, các ý kiến cho rằng, việc thiết kế cầu vượt qua nút giao này phải tính toán thật kỹ lưỡng để công trình cầu vượt vừa đảm bảo kết cấu an toàn vừa không ảnh hưởng đến nền đê.

Trước đó, trong văn bản trả lời UBND thành phố Hà Nội, Bộ NNPTNT đã nhấn mạnh “đây là tuyến đê cấp đặc biệt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội”. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội cần lựa chọn giải pháp gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ khi thực hiện phương án hạ đê, mở đường…