Gương thần cho người thử đồ

Tại một trung tâm thương mại đông đúc ở Thượng Hải, người mua xếp hàng tạo hình đại diện riêng để thử quần áo mới. Cửa hàng Moda Polso (nghĩa là “nhịp đập thời trang” trong tiếng Ý) cho khách hàng nhìn thấy bản thân mặc những bộ đồ khác nhau mà không cần thực sự thay đồ, để họ lựa chọn nhanh và dễ hơn.
 Phòng thử đồ ảo của Pulsion nhằm thay đổi trải nghiệm bán lẻ.
Phòng thử đồ ảo của Pulsion nhằm thay đổi trải nghiệm bán lẻ.

Moda Polso khai trương vào tháng năm như dự án thí điểm của Pulsion, công ty may mặc “bán lẻ mới” của Thượng Hải. Bán lẻ mới, thuật ngữ được Jack Ma của Alibaba đặt ra, chỉ sự tích hợp của tài nguyên trực tuyến và ngoại tuyến nhằm cách mạng hóa trải nghiệm bán lẻ. “[Phòng thử đồ ảo] kết nối người tiêu dùng, sản phẩm và cửa hàng, cung cấp trải nghiệm mua sắm mới mẻ và tiện lợi,” Zhang Tianbing, nhà phân tích bán lẻ tại Deloitte Trung Quốc, cho biết.

Dù cách mạng hay không, Moda Polso chắc chắn nhìn không giống một cửa hàng quần áo thông thường. Một phần ba không gian của nó dành để trưng bày hàng hóa và mười màn hình cảm ứng, một cái gọi là “gương thần” vì kích thước lớn. Phần còn lại là phòng thay đồ và phòng lưu trữ chứa 3.000 sản phẩm của 1.000 mẫu thiết kế. “Cửa hàng thông thường có thể tăng ít nhất gấp bốn lần danh mục sản phẩm của nó nhờ sử dụng hệ thống của Pulsion. Nó cũng có thể được sử dụng để tiết kiệm không gian, giảm chi phí thuê, vốn chiếm nhiều tại các cửa hàng truyền thống,” Tu Zhenghui, CEO 32 tuổi, cho biết.

Làm việc với cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về tạng người của phụ nữ châu Á (sáu triệu), phần mềm chỉ sử dụng 20 thông số để tạo các mô hình 3-D chính xác hơn cho thấy quần áo vừa với cơ thể một người như thế nào. Dù nghe thật ấn tượng, cửa hàng mới của Pulsion, với hơn một chục thương hiệu Trung Quốc, có khả năng là cơ sở duy nhất của nó. Là “một thử nghiệm” theo lời Tu, cửa hàng được mở ra để kiểm tra và tối ưu hóa hệ thống của Pulsion. Các phòng thử đồ ảo là phần mở rộng của hệ thống quản lý cửa hàng quần áo của công ty, hứa hẹn dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng và cho phép các nhà bán lẻ tăng doanh thu trong khi giảm chi phí lưu kho.

Hệ thống của Pulsion làm điều này bằng cách phân tích thói quen mua sắm của khách, cho phép các nhà bán lẻ làm mới sản phẩm kịp thời (các mặt hàng ế thường chiếm một nửa danh mục của cửa hàng truyền thống.) Hệ thống cũng dự đoán những gì có khả năng bán được trong tương lai, cho phép các thương hiệu điều chỉnh để giảm hàng tồn. “Dữ liệu hành vi trước khi mua như vậy gần như không thể có được ở cửa hàng truyền thống,” Tu nói.

Theo nghiên cứu của Pulsion về 40 công ty may mặc đã niêm yết ở Trung Quốc, tổng giá trị hàng tồn kho 4,5 tỉ đô la Mỹ của họ cao gấp bảy lần thu nhập tổng cộng hằng năm của họ. “Ngành may mặc có thể sinh lời như bất động sản nếu đặt cược vào danh mục đúng đắn,” Tu nói. Doanh thu của Pulsion đến từ việc giữ hoa hồng bán hàng ở con số thấp. Nó kỳ vọng tạo ra 550.000 đô la Mỹ doanh thu hằng tháng đến cuối năm và 20 triệu đô la Mỹ năm 2019.

Pulse do Huang Zhongsheng thành lập vào năm 2013 dưới cái tên Haomaiyi, hay “quần áo dễ mua.” Huang nhìn thấy cơ hội trong phòng thử đồ ảo. “Ngành này đã trở nên phổ biến vào thời điểm đó, nhưng không ai có thể cung cấp công nghệ đủ tốt với chi phí thấp,” người sáng lập 33 tuổi và chủ tịch nhớ lại. Công ty đã dành hơn ba năm và hơn 10 triệu đô la Mỹ đầu tư nghiên cứu trước khi tung ra phần mềm năm 2016.

Cùng năm đó, Pulsion bắt đầu cung cấp dịch vụ phần mềm cho các cửa hàng trực tuyến Tmall của Alibaba cho các thương hiệu Trung Quốc, nhưng quan hệ đối tác cung cấp dịch vụ thử đồ ảo cho Tmall chỉ dài một năm.” Trong khi phần mềm của chúng tôi giúp người tiêu dùng biết những gì vừa vặn với họ hơn, nó dẫn đến sự sụt giảm trong doanh số bán hàng của cửa hàng, vì hầu hết mọi người không được đẹp như người mẫu,” Tu nói.

Đổi tên sau khi kết thúc quan hệ đối tác, Pulsion đổi hướng đi để nhắm vào doanh nghiệp truyền thống. Và Huang tìm sự giúp đỡ từ Tu, bạn đại học cũ và cộng sự cũ trong một công ty khởi nghiệp giao đồ ăn. Tu thừa nhận phân khúc phòng thử đồ ảo, mặc dù phát triển nhanh, không thể tồn tại lâu. Nhiều cửa hàng truyền thống đang sử dụng công nghệ này như một mánh quảng cáo để thu hút khách hàng, anh nói.

Theo Forbes Việt Nam

https://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/guong-than-4655.html