Đào tạo Bác sĩ Nội trú theo hướng tinh hoa hay mở rộng để phủ khắp các vùng?

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: Đào tạo Bác sĩ Nội trú là đào tạo cho cả hệ thống, cần được cả hệ thống hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bác sĩ Nội trú là thương hiệu đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội suốt 50 năm qua, bởi chất lượng ở tầm hoàn thiện nhất trong hệ thống đào tạo bác sĩ. Đây là lực lượng quan trọng để thay đổi hệ thống, nâng cao chất lượng KCB.

vt-gs-tu-huong-dan-3590.jpg
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú hướng dẫn các BSNT can thiệp trên bệnh nhân nặng

Sau 50 năm thực hiện mô hình đào tạo Bác sĩ Nội trú (BSNT), mô hình đào tạo BSNT ở Trường Đại học Y Hà Nội đang từng bước thay đổi, để hội nhập quốc tế cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân một cách đồng đều. Nhưng thay đổi thế nào cho phù hợp, là nội dung cuộc trao đổi của VietTimes với GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội:

PV: Là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cũng là người trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ BSNT, giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của BSNT trong nâng cao chất lượng của ngành y tế?

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: BSNT là một bộ phận nhỏ trong hệ thống y tế, nhưng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là nhóm bác sỹ chuyên khoa được đào tạo bài bản nhất, liên tục, sau khi tốt nghiệp 6 năm đại học, với việc kiểm soát chất lượng cao nhất, cả đầu vào và đầu ra. Trong quá trình đào tạo 3 năm, yêu cầu học tập với BSNT cũng cao nhất, từ lý thuyết đến thực hành, lăn lộn với người bệnh trong bệnh viện (BV), bám sát các hoạt động tại BV.

Có thể nói BSNT là mô hình đào tạo khắt khe nhất, bài bản và chất lượng nhất, nên BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội đã trở thành một thương hiệu lớn trong hệ thống y tế.

BSNT có vai trò rất quan trọng trong phát triển các chuyên ngành, vì năng lực chuyên môn vững vàng và rất am hiểu hệ thống y tế; đặc biệt là cách tiếp cận, phát hiện và giải quyết các vấn đề, khả năng tổ chức, nghiên cứu khoa học đều xuất sắc…BSNT là sản phẩm tổng hợp có nhiều ưu điểm để trở thành một cán bộ y tế nổi trội trong chuyên khoa của mình.

Điều quan trọng hơn là ảnh hưởng của BSNT đến hệ thống. Khi làm việc, họ trực tiếp truyền nghề, tác động tích cực đến đồng nghiệp và đồng nghiệp có thể học hỏi được từ những thành công của BSNT. Một khoa, một BV có nhiều BSNT chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt về chất lượng khám, chữa bệnh (KCB).

Một ví dụ điển hình là 18 năm trước, BSNT Lê Văn Cường, sau khi tốt nghiệp BSNT Tim mạch đã xin về BV tỉnh Thanh Hoá. Ở thời điểm này, BS. Cường là trường hợp BSNT duy nhất về công tác tại Thanh Hóa. Với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được và quyết tâm rất lớn, BS Cường đã cùng đồng nghiệp xây dựng một trung tâm tim mạch rất phát triển tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, can thiệp và điều trị được hầu hết các kỹ thuật cao nhất, rất ít bệnh nhân phải chuyển tuyến. BS trẻ tài năng này đã được bổ nhiệm Phó Giám đốc BVĐK tỉnh và hiện đang là Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá.

BSNT có vai trò rất tích cực trong giảng dạy, đào tạo thế hệ sau. Đây là truyền thống quý báu của BNST được giữ gìn cho đến hôm nay. Ngoài việc tích cực giảng dạy cho các thế hệ sinh viên, BSNT đàn anh luôn có trách nhiệm và hỗ trợ BSNT đàn em trong quá trình học tập cũng như đã hành nghề, tạo nên sự kế tục đặc biệt trong hệ thống đào tạo y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội.

vt-gs-tu-1521.jpg
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú

PV: Từ thực tế đó, theo ông, có cần thiết phải thay đổi mô hình đào tạo BSNT?

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: BSNT nếu về công tác tại các BV tỉnh, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng KCB và thay đổi tích cực cho y tế các địa phương, người dân sẽ được lợi, không phải lên tuyến trên.

Vì thế, mô hình đào tạo cần thay đổi để cung cấp nhiều hơn số lượng BSNT cho các BV. Khi nhu cầu KCB chất lượng cao của người dân tăng lên, số lượng BSNT cũng phải tăng. Chủ trương mở rộng đào tạo BSNT là phù hợp với thực tế cũng như quốc tế, bởi trên thế giới, đào tạo Nội trú là đào tạo chuyên khoa bắt buộc với 100% bác sĩ, kể các bác sĩ gia đình (được hiểu như bác sỹ đa khoa).

Định nghĩa về BSNT trước đây là đào tạo tinh hoa, tất cả BSNT là tinh hoa không còn phù hợp, mà nên coi là đào tạo chuyên khoa bắt buộc của các chuyên ngành.

PV: Nhưng đến nay, mô hình đào tạo mở rộng BSNT vẫn chưa phát triển xứng tầm, phải chăng còn những khó khăn riêng?

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: Việc mở rộng đào tạo BSNT gặp nhiều khó khăn. Trước đây, mô hình đào tạo BSNT theo hướng tinh hoa, một khoá cả trường chỉ có 15-20 người, với yêu cầu rất cao. Nhưng giờ là đào tạo chuyên khoa cho các chuyên ngành, có tới 400 BSNT một khoá, nên yêu cầu chọn lọc đầu vào sẽ khác, đương nhiên chất lượng đầu vào nói chung không thể so sánh với nhóm chỉ có 15-20 BSNT như trước đây.

Quá trình đào tạo trước đây với số lượng BSNT ít, nên các thầy cô kèm cặp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, quản lý sát sao; còn nay, mỗi chuyên ngành trung bình có 30-50 BSNT các khóa khác nhau, thì việc quản lý và truyền nghề không đơn giản như trước.

Một khó khăn nữa là cơ sở thực hành: Trước, một khoá mỗi chuyên ngành chỉ có 1-3 BSNT, còn nay 10-50 học viên, nên việc hướng dẫn thực hành trực tiếp trên bệnh nhân cũng khó hơn.

Ngoài ra trước đây, BSNT được nhận học bổng/lương dù thấp, nay đã không có học bổng, lại còn phải đóng học phí, nên rất khó khăn cho người học.

Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức mới, nhưng các BSNT vẫn là những người được đào tạo chuyên khoa tốt nhất và Trường Đại học Y Hà Nội luôn đào tạo được những BSNT trẻ rất xuất sắc.

bsnt-suae-5588.png
Từ trái qua: GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; PGS.TS Phạm Thị Lan- Giảng viên cao cấp Bộ môn da liễu Trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản TW; PGS.TS Nguyễn Thanh Thuý - nguyên Phó trưởng Bộ môn Sinh lý bệnh Trường Đại học Y Hà Nội; PGS.TS.Tống Xuân Thắng - Phó trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Hà Nội, là các BSNT tại lễ tốt nghiệp BSNT khoá 17 (1990-1993)

PV: Để trở thành những BSNT xuất sắc, đương nhiên là sự nỗ lực rất lớn của chính các BSNT, nhưng chắc chắn phải có sự hỗ trợ quan trọng của các thầy cô trong quá trình đào tạo, đúng không thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: Đúng thế! Để đảm bảo chất lượng BSNT đúng yêu cầu khi số học viên tăng cao hơn nhiều, các giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dành thời gian quản lý cũng như kèm cặp chuyên môn.

Việc tổ chức đào tạo tại các cơ sở thực hành đang quá tải, Trường phải đầu tư mở rộng thêm cơ sở, tăng cường hoạt động tại các cơ sở thực hành. Công tác tuyển sinh thi đầu vào, đánh giá quá trình học, rồi đánh giá, lượng giá đầu ra đều phải làm chặt chẽ, tuyệt đối nghiêm túc vì đảm bảo chất lượng là mục đích cuối cùng của trường.

Nhà trường đang tiến hành đổi mới chương trình đào tạo BSNT toàn diện theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo dựa trên chuẩn năng lực và phù hợp với yêu cầu mới, đổi mới phương pháp giảng dạy và học, đổi mới đánh giá lượng giá để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo mở rộng đào tạo BSNT thành công.

2-8956.jpg
GS. Nguyễn Hữu Tú (thứ 4, hàng 2) và các BSNT sau những giờ thực hành tại BV

PV: Là Hiệu trưởng ngôi trường Y có bề dày kinh nghiệm đào tạo BSNT, ông có kiến nghị gì để chủ trương mở rộng đào tạo BSNT được phát triển?

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị đào tạo BSNT lâu đời nhất, nhiều nhất tại Việt Nam. Cần nói rằng, đào tạo BSNT là cho cả hệ thống, chứ không phải cho riêng Trường Đại học Y Hà Nội, nên cần được cả hệ thống hỗ trợ, nhất là về chính sách của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo đến các BV thực hành.

BSNT là đối tượng đào tạo quan trọng nên cần có chính sách, quy chế phù hợp về tuyển sinh, về đánh giá người học, cũng như cần có học bổng/lương cho BSNT. Bên cạnh đó là chính sách tuyển dụng ưu tiên ở cả các BV TW và các địa phương, để khi ra trường BSNT có nơi làm việc ngay, tránh lãng phí nguồn lực.

Về hệ thống các BV thực hành: Đào tạo BSNT chủ yếu là thực hành, vì thế việc này quyết định sự thành bại của Nội trú; các BV cần chung tay xây dựng chương trình và tham gia tích cực trong đào tạo BSNT. BSNT là nguồn nhân lực chất lượng cao của cả ngành y tế nên rất cần sự chỉ đạo của BYT, tránh cho phép đào tạo tràn lan, gây quá tải các BV thực hành, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đào tạo truyền thống của Trường Đại học Y Hà Nội.

Về phía Trường Đại học Y Hà Nội, chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng đổi mới chương trình đào tạo BSNT phù hợp với thực tế, đề cao trách nhiệm của các thầy cô và bộ môn, tăng cường quản lý, đánh giá người học, đảm bảo chất lượng đào tạo, thương hiệu BS Nội trú Trường Đại học Y Hà Nội mà chúng ta tự hào 50 năm qua.

PV: Xin cám ơn giáo sư đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)

vt-gs-1-8668.jpg
GS. Nguyễn Hữu Tú giảng bài tại một hội nghị chuyên ngành Gâyn mê hồi sức

GS. Nguyễn Hữu Tú học BSNT chuyên ngành Gây mê hồi sức 1990-1993

Sau đó, ông học Nội trú tại Pháp (FFI)1994-1995, 1997-1998; Chef de Clinique tại Pháp 2001-2002

Ông được phong PGS năm 2007 và GS năm 2014, là PGS và GS trẻ nhất ngành y tế ở thời điểm được công nhận.

GS.Nguyễn Hữu Tú đã giành Giải thưởng phát minh châu Á Thái Bình Dương về Gây mê hồi sức năm 2009.

Ông là một trong hai tác giả Việt Nam được mời viết Bách khoa toàn thư bệnh học, Paris, Pháp (EMC-Cardiologie, Angéiologie, ElSEVIER SAS 2005)

GS.Nguyễn Hữu Tú Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội 2009-2021 và trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội từ 2021.