GS Phan Đình Diệu – người toàn tâm, toàn ý với nền tin học nước nhà

VietTimes – "Công nghệ thông tin là một ngành mà tôi rất tha thiết. Cả phần đời sung sức nhất của mình, tôi đã dành để nghiên cứu, xây dựng và góp phần phát triển nó" -GS TS Phan Đình Diệu từng tâm sự. Ông ra đi là một mất mát lớn lao  đối với nền khoa học nước nhà. Bài viết này như một lời tiễn biệt.
GS TS Phan Đình Diệu. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
GS TS Phan Đình Diệu. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Đặt nền móng đầu tiên cho nền tin học nước nhà

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học ở Hà Tĩnh, ông Phan Đình Diệu đã theo học ngành toán học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên của trường. Ngay từ những ngày đầu làm thầy, khi được nghe đến những điều mới mẻ, kỳ diệu của máy tính điện tử, của điều khiển học, ông đã bị lôi cuốn bởi những ý tưởng về thông tin, điều khiển, và đặc biệt bởi sự diệu kỳ của máy tính điện tử. Sau đó, ông được du học về chuyên ngành này tại Liên Xô .

Đến năm 1968, ông được chuyển về công tác ở Phòng Toán học Tính toán thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước mới được thành lập. Máy tính được trang bị tại đây là chiếc Minsk-22 chiếm cả một gian phòng lớn. Nếu so với các máy vi tính bây giờ thì Minsk-22 quả hết sức lạc hậu, nhưng chính chiếc máy đó đã có thành tích to lớn đào tạo một đội ngũ cán bộ ứng dụng máy tính đầu tiên cho khắp các ngành, đồng thời đã thực hiện một số ứng dụng có kết quả cho nhiều bài toán thực tế như tính toán các phương án làm đường, làm cầu cho giao thông vận tải, chống lũ cho thủy lợi, các phương án bắn cho pháo binh... một thành tích mà khó có chiếc máy nào bì kịp.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, ông vẫn liên tục công tác trong lĩnh vực này, làm nhiều công việc từ nghiên cứu, giảng dạy đến quản lý, ứng dụng, nhưng có hai việc không thể quên là được soạn thảo đề cương thành lập Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển vào những năm 75-76, và biên soạn “Chính sách phát triển và ứng dụng CNTT” vào đầu những năm 1990. Hai lần ấy, điều làm cho ông say mê và hứng thú nhất là được tự do suy nghĩ, tự do thể hiện những điều mình ôm ấp, những mong ước thiết tha, và có thể cả đôi chút những mơ tưởng xa xôi của mình, với niềm tin và hy vọng chúng được thi hành trong thực tế.

Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển đã được thành lập năm 1977. Với vai trò là Viện trưởng đầu tiên của ông trong vòng mươi năm đầu Viện đã xây dựng và phát triển được các hướng nghiên cứu cùng với đội ngũ cán bộ khá vững vàng về kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính, về mạng, về toán học tính toán và lập trình, về ứng dụng trong tự động hóa và trong quản lý kinh tế.

Còn chính sách phát triển và ứng dụng CNTT cho những năm 90 đã được phê duyệt theo Nghị định 49/CP và trên cơ sở đó đã thành lập một Chương trình Quốc gia về CNTT, trong vài ba năm đầu hoạt động đã tạo cơ sở cho việc tin học hóa quản lý nhà nước và nhiều ứng dụng tin học khác.

Cũng chính vì uy tín quá lớn với cộng đồng tin học nên GS Phan Đình Diệu đã được anh em trong làng tin học tín nhiệm để ông là người đại diện làm việc với các cơ quan hữu quan trong quá trình vận động thành lập Hội Tin học Việt Nam. Sau khi Hội được cấp phép thành lập, ông đã được bầu làm Chủ tịch 2 nhiệm kỳ đầu tiên (1988 – 1996).

Những tiếng nói mạnh mẽ

GS Phan Đình Diệu – người toàn tâm, toàn ý với nền tin học nước nhà ảnh 1 GS Phan Đình Diệu trong một lần gặp gỡ báo chí (ảnh: Lê Anh Dũng)

Năm 1997, GS Phan Đình Diệu thôi cương vị Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT và chuyên tâm làm một nhà giáo tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau ông bất ngờ hay tin là cơ quan này sẽ bị giải thể do hoạt động không hiệu quả. Về chuyện này, ông cho rằng nó cũng giống như việc một chiến trường đang diễn ra thì bỗng nhiên bị đình chỉ, không kèn không trống. Lẽ ra phải được tổng kết đánh giá để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện những chương trình sau này nữa. Cũng vì thế mà ông đã có ý kiến với Thủ tướng là tại sao lại giải thể chỉ vì lý do hoạt động không hiệu quả. Lý ra, việc Chính phủ phải làm là sắp xếp lại nhân sự để Chương trình Quốc gia này phải hoạt động có hiệu quả thực sự. Cũng cần lưu ý rằng, Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT sang năm 1999 đã chính thức có quyết định giải thể mà không hề có ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ (PV).

Năm 2001, Chính phủ quyết định thành lập Đề án Tin học hóa Quản lý Hành chính Nhà nước (Đề án 112) với vai trò điều hành cấp quốc gia được giao cho Văn phòng Chính phủ. GS Phan Đình Diệu cho biết, Đề án có nói về xây dựng một hệ thống thông tin nhưng cơ cấu, nội dung, mục tiêu của hệ thống thông tin đó ra sao, nhằm đáp ứng những yêu cầu gì của quản lý... thì hoàn toàn không được đề cập đến. Không phải cứ hễ nói hệ thống thông tin là sẽ có hệ thống, mà cần phải có nghiên cứu để hình dung được những gì cần phải làm, nhất là khi Đề án không phải bắt đầu từ số không mà là kế thừa nhiều việc đã được làm từ trước đó. Chính vì vậy mà khi đọc văn bản Đề án, ông cảm thấy có cái gì bất ổn. Viết trong thư gửi Thủ tướng ông cho rằng: "người xây dựng đề án viết để cho có, để rồi có thể làm một cách tắc trách, chứ không phải viết nghiêm túc để mà làm một cách nghiêm túc...".

Một Đề án chưa thể được coi là một dự án tiền khả thi mà trong đó lại có dự kiến quy định mua máy của công ty này, mua thiết bị của công ty kia thì rõ ràng là không ổn. Máy tính và các sản phẩm của CNTT thì lạc hậu rất nhanh mà mình lại dự toán kiểu năm nay tính tiền, năm sau mới lấy máy thì nguy hiểm quá.

Vì thế, với tinh thần trách nhiệm của một người đã ít nhiều tham gia vào sự phát triển và ứng dụng CNTT, ông mong được Chính phủ xem xét, tránh những điều mà mình nhìn thấy trước là có thể gây thất bại cho Đề án. Thư gửi đi rồi nhưng mãi không được hồi âm, và nhiều năm về sau ông cũng không có điều kiện theo dõi cụ thể quá trình triển khai Đề án, nên ông cũng không góp được ý kiến gì thêm.

Cuối cùng thì vào năm 2007, Đề án 112 đã được kết luận là thất bại theo đúng như điều mà GS Phan Đình Diệu tiên liệu trước. Song lúc đó, ông lại khách quan cho rằng trong những tổng kết cho nó, vẫn cần phải ghi nhận những gì tốt đẹp nhất mà Đề án này đã làm được chứ không thể cứ tìm cách quy kết một cách thái quá như ý kiến của một quan chức phụ trách CNTT ở TPHCM.

Không chỉ có những tiếng nói mạnh mẽ về việc giải thể Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT và tiên liệu trước cho sự thất bại của Đề án 112, GS Phan Đình Diệu còn rất thẳng thắn ý kiến cho rất nhiều vấn đề khoa học khác của đất nước. Ông cho rằng, đã là nhà khoa học thì tiếng nói của họ phải là độc lập và không nên để chính trị chi phối.

Một người thầy đáng kính

Theo các cán bộ, chuyên gia từng làm việc dưới thời ông làm Viện trưởng Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, GS Phan Đình Diệu là một con người rất cởi mở và luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Đặc biệt, không bao giờ ông nhận “phong bì” của những người làm nghiên cứu sinh ở Viện. Với ông, đã làm nghiên cứu sinh thì mọi người phải đều phải chứng minh được năng lực nghiên cứu, chứ không thể là bằng các thủ đoạn, tiểu xảo để đạt được mục đích của mình.

Khi chuyển về giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi nghỉ quản lý năm 1997, bản thân GS Phan Đình Diệu cũng luôn tích cực giao lưu với các lĩnh vực khác có nhu cầu ứng dụng CNTT chứ không chỉ đào sâu về chuyên môn của mình. Chính ông cũng đã đặt vấn đề là bước sang thế kỷ 21, sẽ có nhiều ngành khoa học sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ tranh thủ được thành tựu CNTT. Điển hình, có thể nói đến công nghệ sinh học. Chính nhờ định hướng đó mà ông đã chỉ ra, một giảng viên của Trường  Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội là TS Lê Sỹ Vinh đã đi sâu vào định hướng về Tin – Sinh học và có được những thành công trong những nghiên cứu của mình.  

"Một nhà khoa học lớn, một trí thức dấn thân, một nhà thơ trữ tình thông tuệ của đất nước đã đi xa... Chúng tôi thương tiếc anh Diệu với tất cả tấm lòng trân quý và trìu mến"- GS Chu Hảo.