Grab sắp có những tính năng mới nào sau khi hợp tác với Microsoft?

VietTimes -- Grab và Microsoft đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để cung cấp hàng loạt tính năng mới cho ứng dụng gọi xe Grab tại Đông Nam Á.
Ảnh minh họa: Grab
Ảnh minh họa: Grab

Microsoft đã ký kết mối quan hệ đối tác chiến lược với Grab. Theo thỏa thuận, Grab sẽ được ưu tiên sử dụng nhiều sản phẩm của Microsoft như nền tảng điện toán đám mây Microsoft Azure. Từ đó, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe theo yêu cầu của Đông Nam Á có thể triển khai dự án Big Data và AI, qua đó mở rộng thêm thị trường thanh toán kỹ thuật số GrabPay và vận chuyển đồ ăn GrabFood.

Phó Chủ tịch Microsoft, Peggy Johnson cho biết: “Chúng tôi rất hứng thú với các công ty đang nổi lên ở Đông Nam Á.”. Bà Johnson nói thêm: “Thật tuyệt khi thấy cách mà họ (Grab) sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của khách hàng”.

Phó Chủ tịch điều hành Microsoft khẳng định: “Sự hợp tác của chúng tôi với Grab sẽ mở ra cơ hội để đổi mới toàn bộ ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng và khu vực đang trên đà tăng trưởng”. Mặc dù cả Microsoft và Grab đều từ chối lộ chính xác khoản đầu tư, nhưng theo nguồn tin của Financial Times số tiền này lên tới 200 triệu USD.

Hai công ty đang liên kết để triển khai một số “dự án đổi mới công nghệ Deep Tech”, bao gồm AI nhận diện khuôn mặt tài xế (và khách hàng tham gia), để thay thế phương pháp kiểm tra nhân dạng qua thẻ định danh truyền thống.

Áp dụng thuật toán phân tích dữ liệu Machine Learning và AI của Microsoft, Grab sẽ phát triển thêm nhiều tính năng tiên tiến trên ứng dụng gọi xe của mình như tạo bản đồ dẫn hướng thông minh, phát hiện lừa đảo và khả năng nhận diện vị trí thông qua hình ảnh rồi chuyển thành địa chỉ thực tế cho tài xế… Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đặt xe trực tiếp thông qua phần mềm Microsoft Outlook.

CEO Grab Ming Maa và Phó Chủ tịch điều hành Microsoft Peggy Johnson. Ảnh: Microsoft News
 CEO Grab Ming Maa và Phó Chủ tịch điều hành Microsoft Peggy Johnson. Ảnh: Microsoft News

Theo Reuters, Toyota và một số tổ chức tài chính khác đã rót vốn tổng cộng 2 tỷ USD vào Grab, riêng Toyota tài trợ 1 triệu USD. CB Insights đã thống kê từ ngày 2/8/2018 đến nay, Grab đã gây quỹ tổng cộng 6 tỷ USD từ nhiều công ty lớn bao gồm cả SoftBank, Toyota và Didi Chuxing.

Trang TechCrunch nhận định rằng Grab đã kết nối với Microsoft chính nhờ quan hệ tốt đẹp cùng Toyota. Năm 2017, Microsoft đã thể hiện mối quan tâm tới lĩnh vực giao thông vận tải qua hành động cấp bằng sáng chế xe ô tô kết nối Internet cho công ty sản xuất xe ô tô Nhật Bản.

Hiện nay, Microsoft vẫn đang dẫn đầu thế giới trong mảng trí tuệ nhân tạo. Vài tháng gần đây, công ty đã tăng cường đội ngũ kỹ sư phần mềm thiết kế chip AI cho hệ thống điện toán đám mây Microsoft Azure và mở 2 startup chuyên nghiên cứu AI là: Bonsai và Lobe.

Bà Peggy Johnson chia sẻ: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những công cụ giúp AI tiếp cận dễ dàng hơn với khách hàng như Grab. Họ có thể triển khai công nghệ AI mà không cần bất kỳ nhóm các nhà khoa học dữ liệu nào”. Bà nói thêm: “Chúng tôi tìm kiếm các các công cụ tiếp cận trong khu vực Đông Nam Á và sẽ tập trung phát triển nó”.

Phía Grab, CEO Ming Maa đã từ chối bình luận về thỏa thuận hợp tác chiến lược với Microsoft, nhưng ông đã trả lời trên trang CNBC rằng công ty đang đi đúng hướng để kêu gọi số vốn 3 tỷ USD vào cuối năm nay. Ông Maa nói: “Chúng tôi không thể bình luận về khoản đầu tư chính xác nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với Grab không phải là giá trị khoản đầu tư mà là chất lượng của nhà đầu tư”.

Theo CNBC, TechCrunch