Với 4 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 570 điểm. Theo ông/bà, thị trường đã vượt qua vùng đáy chưa, khi mà đà tăng vừa qua chủ yếu được hỗ trợ từ diễn biến tích cực đột biến ở 1 số mã bluechips chi phối thị trường như VNM, GAS...?
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC
VN-Index đã lấy gần hết số điểm giảm trong tuần trước với 2 cổ phiếu "đầu tầu" VNM, GAS. Hai cổ phiếu này có mức tăng lần lượt 6,7% và 6,2%, đóng góp 7,9 điểm, tương đương 57% số điểm tăng của VN-Index. Cùng với đà tăng mạnh của các cổ phiếu ngành thép, 2 cổ phiếu này là tâm điểm trong suốt tuần qua.
Xét về chỉ số, VN-Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý 570 điểm (SMA20) để quay lại xu thế tăng điểm, dù vậy thanh khoản lại giảm sút 12,4% so tuần trước. Điều này cho thấy thị trường hồi phục tốt nhưng thiếu yếu tố bền vững.
Bà Lê Thị Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Theo quan điểm của tôi, VN-Index đã vượt qua vùng đáy ngăn hạn nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu lớn. VNM đã vượt qua đỉnh cũ mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn không bán ra như đợt trước cho thấy, nhà đầu tư lớn đã đồng thuận hơn về định giá cổ phiếu lớn này và cho thấy khả năng VNM tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới.
Bà Lê Thị Nguyệt Ánh
Kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch 2016 từ các đại hội cổ đông của các đơn vị niêm yết, trừ cổ phiếu dầu khí, dự kiến khá tốt trong quý I và sẽ hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô cũng dang khá tốt và ổn định.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
VN-Index đang tiến tới vùng hỗ trợ mạnh 575 điểm. Đợt tăng điểm tập trung vào các cổ phiếu đang được kỳ vọng nới room như VNM, FPT.. và cổ phiếu dòng dầu khí được hỗ trợ bởi sự phục hồi của giá dầu.
Theo phân tích của chúng tôi, thị trường xu hướng xoay tour giữa các ngành hơn là tăng mạnh chung của toàn bộ thị trường. VN-Index có thể quay quanh 560- 580 điểm trong tuần tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Quan điểm kỹ thuật, tôi cho rằng, 2 chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh và kiểm định các mức 570 của chỉ số VN-Index và 80 của chỉ số HNX-Index trong các phiên giao dịch đầu tuần tới. Đồng thời, áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng quá mua ngắn hạn, nhưng tín hiệu đảo chiều vẫn chưa hình thành cho nên chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Mức độ phân hóa trên thị trường đã trở nên rõ rệt hơn khi dòng tiền phần lớn chỉ đi vào những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như là việc nới room nước ngoài, thoái vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp niêm yết, tin tức về kết quả kinh doanh quý I, tin tức cổ tức khủng trong ĐHCĐ....
Dòng tiền đang vào thị trường tương đối ổn định trong tuần qua. Khối ngoại cũng song hành cùng nhóm nhà đầu tư trong nước trong việc mua vào cổ phiếu, tuy nhiên giao dịch của khối ngoại vẫn khá "phật phù". Với những chuyển biến nới room của các doanh nghiệp (đơn cử như VNM vừa công bố sửa điều lệ mẫu và rút khỏi 7 ngành nghề kinh doanh) có tạo sút hút đối với dòng vốn ngoại trong thời gian tới?
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC
Trái ngược diễn biến thanh khoản tăng nhưng khối ngoại bán ra vào nửa cuối tháng 3, thanh khoản thị trường giảm sút, nhưng khối ngoại lại tăng cường mua vào trong tháng 4. Nếu loại giá trị thỏa thuận đột biến tại VIC và MSN, khối ngoại thực chất đã mua vào gần 400 tỷ đồng trên 2 sàn trong tuần qua. Điều này cũng khá tương đồng với diễn biến mua dòng của khối ngoại ở các nước trong khu vực thời gian gần đây.
Những cổ phiếu chất lượng luôn thu hút khối ngoại khi được mở room, VNM không phải là ngoại lệ. VNM là một trong những cổ phiếu được khối ngoại muốn sở hữu nhất, dù vậy hoạt động giao dịch nôi khối của của khối ngoại thời gian qua tập trung chủ yếu từ vùng giá 130.000 - 135.000 đồng/cổ phiếu thì việc khối ngoại sẵn sàng đẩy lên giá cao để sở hữu hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Dù vậy trong ngắn hạn, cổ phiếu này vẫn là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu cơ trong nước trước thông tin công ty xin rút 7 ngành nghề để mở đường cho cổ đông biểu quyết mở room trong kỳ Đại hội tới.
Bà Lê Thị Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Dòng vốn ngoại phập phù trong tuần qua chủ yếu liên quan tói 2 cổ phiếu cụ thể là VIC và MSN với giao dịch bán thoả thuận rất lớn của khối ngoại. Các giao dịch này nhìn chung không tác đông đáng kể tới thị trường và nhà đầu tư nắm giữ MSN và VIC cũng đã quá quen với các giao dịch "lạ" như thế này.
Nếu loại giao dịch thoả thuận, xu hướng chung của khối ngoại hiện nay vẫn là mua ròng đều đặn với giá trị mua ròng trung bình khoảng vài chục tỷ mỗi phiên.
Riêng với VNM, việc khối ngoại không bán ra khi VNM vượt đỉnh cũ là 140.000 đồng/cp cho thấy kỳ vọng tăng giá đối với cp này được đồng thuận khá cao giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi giới hạn đầu tư nước ngoài được dỡ bỏ, SCIC vẫn phải kiếm nhiều cổ đông chiến lược để bán do lượng bán ra khá lớn và cổ đông chiến lược nhiều khả năng sẽ đinh giá VNM cao hơn các quỹ đầu tư tài chính thông thường.
Triển vọng của VNM sau khi mở room tuỳ thuộc vào chi tiết kế hoạch thoái vốn. Dù sao chăng nữa, mức giá hiện tại của VNM cũng còn khá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Ông Nguyễn Nhật Cường
Khối ngoại vẫn khá quan tâm tới các cổ phiếu được mở room. Nhìn trong dài hạn, mức giá cổ phiếu ngành thực phẩm: VNM…, công nghệ: FPT..., vẫn khá hấp dẫn do đó mức nếu được mở room dự báo các cổ phiếu này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Tôi nghĩ rằng, với những tin tức tích cực từ chuyển biến nới room của các doanh nghiệp lớn như VNM sẽ tạo 1 cú hích nhất định đối với thị trường cũng như giao dịch của khối ngoại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dòng vốn ngoại vào thị trường có tăng lên hay chỉ là chuyển biến từ việc rút vốn từ công ty niêm yết này để mua các cty niêm yết khác.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán hiện rất nhạy cảm đối với các số liệu kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới; vì vậy hiện dự đoán xu hướng trung và ngắn hạn của thị trường cũng như giao dịch của khối ngoai là khó hơn nhiều.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng lâu nay vẫn tạo "cảm hứng" cho thị trường, một số CTCK cũng đưa ra dự báo trong năm 2016, ngành ngân hàng sẽ có lợi nhuận tốt hơn năm 2015 do tín dụng duy trì được mức tăng trưởng tốt, kết quả công bố sơ bộ của một số ngân hàng như EIB, ACB…cũng duy trì được con số khá cao. Hai nhóm cổ phiếu này được dự báo sẽ tiếp tục thay nhau đóng vai trò dẫn dắt giúp thị trường trong thời gian tới, quan điểm của ông/bà?
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC
Cổ phiếu Ngân hàng dẫn dắt thị trường trong năm 2015 đã nhường lại vai trò này cho nhóm cổ phiếu dầu khí + VNM trong quý I và giai đoạn đầu quý II năm 2016. Kết quả kinh doanh của các Ngân hàng tiếp tục cải thiện nhờ nền kinh tế qua đáy, nhu cầu tín dụng tăng cao. Tuy nhiên, thách thức của các Ngân hàng là không nhỏ khi phải tiếp tục xử lý nợ xấu, áp lực dự phòng rủi ro trong năm với.
Ông Bùi Nguyên Khoa
Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng tín dụng, thu nhập của Ngân hàng trong ngắn hạn, qua đó tạo ra viễn cảnh không tốt cho nhóm cổ phiếu này. Do vậy, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng năm nay nhiều khả năng sẽ đóng vai trò tạo nền cho thị trường và sẽ nhường vai trò dẫn dắt cho các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự phục hồi hàng hóa thế giới, các cổ phiếu mở room, các cổ phiếu vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh nổi trội…
Bà Lê Thị Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Quý I/2016 vừa qua là quý khó khăn nhất trong hơn 10 năm qua của ngành dầu khí nói chung và cổ phiếu dầu khí niêm yêt nói riêng. Giá dầu đã lập đáy trong quý I với giá bán dầu trung bình chỉ hơn 32 USD/thùng. Do vậy, kết quả kinh doanh quý I sắp công bố sẽ là “bài kiểm tra khắc nghiệt nhất” với khả năng sinh lợi của cp dầu khí trong điều kiện xấu nhất. Chúng tôi kỳ vọng giá dầu trung bình 2016 ở mức 40 usd/thùng và đánh giá triển vọng của cp dầu khí sẽ khá lên từ quý 2 năm nay.
Với ngành ngân hàng, 2016 vẫn là một năm khó khăn dù triển vọng đã "sáng" hơn. EIB vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán với khoản lỗ luỹ kế bất ngờ gần 1.000 tỷ đồng là ví dụ cho thấy việc tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Dự kiến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của toàn hệ thống 2016 ở mức 15% và 10%, không quá đột phá. Do vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường nhưng không phải nhóm dẫn dắt VN-Index tăng điểm.
Nhóm bất động sản, xây dựng, sản xuất, tiêu dùng và công nghệ cao mới là nhóm có nhiều tiềm năng tăng trương trong năm nay.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng có thể dẫn dắt thị trường trong thời gian tới do khảo sát kết quả kinh doanh cải thiện quý I/2016 của nhóm này. Cổ phiếu dòng dầu khí phụ thuộc nhiều vào giá dầu mà giá dầu đang gặp ngưỡng cản khó vượt trong ngắn hạn.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Kể từ 1 năm trở lại đây, nhà đầu tư trong nước quan tâm giá dầu hàng ngày song song với giá chứng khoán, điều đó chứng tỏ mức độ quan trọng của nhóm chứng khoán dầu khí trong chỉ số VN-Index.
Tuần tới, sẽ diễn ra cuộc gặp của các quốc gia OPEC và ngoài OPEC vào ngày 17/4 tại Qatar; theo đó giá dầu sẽ còn tiếp tục biến động mạnh do các nhà đầu tư sẽ phân tích từng lời của các nước tham gia họp để dự đoán kết quả cuộc họp. Như vậy, diễn biến của cổ phiếu dòng dầu khí vẫn chưa rõ ràng.
Theo ĐTCK