Giới trẻ Việt có thể mất nhiều việc làm vào tay robot

Khi so sánh với robot, ngoài thua kém về thời gian, năng suất làm việc; chúng ta còn đòi hỏi rất nhiều quyền lợi, không chịu tuân theo khuôn khổ và cần được quan tâm khi về già.
Ông Richard Bale, cô Nguyễn Phi Vân, GS Trương Nguyện Thành, ông Alexandre Sompheng (từ phải sang trái), đang giao lưu với khách tham dự. Ảnh Tùng Minh
Ông Richard Bale, cô Nguyễn Phi Vân, GS Trương Nguyện Thành, ông Alexandre Sompheng (từ phải sang trái), đang giao lưu với khách tham dự. Ảnh Tùng Minh
Rất nhiều thắc mắc của các bạn trẻ về thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã được các chuyên gia, diễn giả giải đáp ở sự kiện Giới trẻ Việt Nam trong CMCN 4.0 - Vietnamese youth in the 4.0 industrial revolution.
Sự kiện này được tổ chức bởi cộng đồng UEH Connected vào tối 26/7/2017, tại Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM.
Mất việc vào tay robot
Tác động của CMCN 4.0 đang nằm ngay trước mắt, ở thời điểm hiện tại đã có hàng ngàn người trong các công xưởng mất việc do quá trình tự động hóa; robot ngày càng giỏi hơn và chắc chắn sẽ cướp việc của con người, Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng Đại học (ĐH) Hoa Sen, TPHCM, cho biết.
“Thậm chí bây giờ người ta còn có thể cưới vợ robot thay vì người thật nữa cơ mà”, GS nói đùa.
Đồng quan điểm với GS Thành, cô Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch của Retail & Franchise Asia, nói: “Trong một số hội nghị gần đây, tôi được thưởng thức một bữa ăn hoàn chỉnh với thức ăn gồm món khai vị salad, món chính mỳ ý và socola tráng miệng và tất cả đều được tạo ra hoàn toàn bằng máy in. Công nghệ đã và đang thay đổi đến cách chúng ta sống hàng ngày, vậy nên các bạn hãy chuẩn bị để thay đổi cùng với nó”.
Khi được hỏi là tại sao chúng ta lại mất việc vào tay robot, GS Thành nhận định: chúng ta thua kém máy móc ở rất nhiều mặt; con người chỉ có thể làm việc 8 tiếng/ngày, trong khi nếu được sạc pin đầy đủ thì robot có thể làm cả tuần mà không cần nghỉ. Con người có rất nhiều yêu cầu như môi trường làm việc, lương bổng còn robot thì không; chúng không than phiền bất cứ gì. Một người bình thường chỉ có thể làm việc từ 30 đến 40 năm, đồng thời chất lượng công việc cũng giảm dần theo thời gian; chỉ cần cập nhật công nghệ mới, robot có thể làm việc hàng chục năm mà năng suất còn tăng lên. Chính vì những lí do trên mà robot dần dần lấy hết việc của con người.
Tuy nhiên, robot cũng không thể nào thay thế hoàn toàn được con người vì chúng ta có khả năng sáng tạo. “Con người không tuân thủ quy tắc, chúng ta phá vỡ tất cả các giới hạn và lấp đầy thế giới với các cơ hội mới bằng trí tưởng tượng; các bạn trẻ nên tập trung tăng cường khả năng sáng tạo của mình”, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nói thêm.
Giới trẻ có thể tự mình chuẩn bị đương đầu với thời đại mới bằng cách mở rộng đầu óc, tăng cường kiến thức và khả năng thích ứng. Có thể hôm nay người này học kế toán, nhưng ngày mai robot đã lấy đi việc của người đó rồi. Tăng cường khả năng thích ứng để biết mình cần làm gì trong tương lai là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giới trẻ sinh tồn trong thời đại 4.0, Giáo sư Thành chia sẻ.
Áp lực sáng tạo
Hệ thống giáo dục của Việt Nam cần phải cải thiện rất nhiều, đặc biệt là làm sao để tăng khả năng sáng tạo cho giới trẻ nhằm tạo ra được một thế hệ lực lượng lao động sẵn sàng cho CMCN 4.0. Khi đi học, các em chỉ đến trường ngồi im tại chỗ, nghe bài giảng mà không được thắc mắc những gì mình được dạy; chính phong cách giảng dạy thụ động đó của nhiều giáo viên đã góp phần đào tạo ra một thế hệ trẻ không có đủ khả năng sáng tạo trong đời thực, cô Vân lập luận.
Bạn Nguyễn Mạnh Hiếu - sinh viên Đại học Kinh tế, đang đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh Tùng Minh
Bạn Nguyễn Mạnh Hiếu - sinh viên Đại học Kinh tế, đang đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh Tùng Minh
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân nói thêm: “Khi tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ ở các em sinh viên, thì gần như đến 60% đối tượng trả lời rằng không biết làm gì sau đại học; các em đến trường là vì ba mẹ bắt thế, không phải ước muốn của mình. Giới trẻ đang thiếu tự do, đặc biệt là tự do trong suy nghĩ; tôi muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh là đừng bao bọc con mình quá, hãy cho chúng không gian để tìm kiếm đam mê của mình”.
Một diễn giả khác, ông Alexandre Sompheng - CEO của Ekino Vietnam, chia sẻ: “Tuy các nhân sự người Việt thường có điểm mạnh là làm việc rất siêng năng, nhưng họ lại thiếu đi tính sáng tạo, tinh thần kỷ luật và khả năng chuyên môn. Có thể các yếu tố về văn hóa, gia đình và nền giáo dục không thay đổi kịp đã khiến họ trở nên như vậy”.
Đồng quan điểm trên, ông Richard Bale - Tổng lãnh sự Canada tại TPHCM, cho biết thêm: vấn đề cốt lõi của tình trạng lực lượng lao động thiếu sáng tạo hiện nay không phải đến từ các bạn trẻ mà là bộ máy làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp truyền thống ở Việt Nam. Các cơ quan cần thay đổi cấu trúc vận hành của mình để không chỉ có sếp mà cả nhân viên cũng được đóng góp.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/gioi-tre-viet-co-the-mat-nhieu-viec-lam-vao-tay-robot/2017072702588946p1c882.htm