Nguồn vốn “
khủng
”đổ vào giao thông
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, trong vòng 5 năm tới (2016 - 2020) tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam dự kiến sẽ là 1.009.398 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD).
Trong đó, nguồn vốn phân bổ dự kiến như sau: Vốn NSNN là 376.000 tỷ đồng; Vốn ODA là 285.000 tỷ đồng; Vốn huy động ngoài ngân sách: 348.000 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành giao thông có thể huy động được số vốn trên cũng như sử dụng chúng một cách hiệu quả là thách thức không hề nhỏ.
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright dẫn số liệu thống kê cho thấy trong 20 năm qua, một nguồn vốn rất lớn đã được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Ông Du cho biết: trong khi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải trung bình của các quốc gia trên thế giới chỉ ở mức trên dưới 2% GDP thì ở Việt Nam, con số này rơi vào 6% (năm 2003).
Minh chứng cho nguồn vốn “khủng” đổ vào ngành giao thông, ông Du dẫn báo UNESCAP, tổng vốn đầu tư và duy tu hạ tầng giao thông của Việt Nam vào năm 2003 vào khoảng 6% GDP, trong khi Trung Quốc, Thái Lan và Nga chỉ vào khoảng 4%, Hàn Quốc 3% và các nước khác chưa đến 2% .
Vốn đầu tư cho hạ tầng so với GDP của một số quốc gia.Nguồn: UNESCAP (2006)
Còn theo thống kê của IMF, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của 13 nước vùng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 chỉ có 360 tỷ USD, tương đương với 1,5% GDP. Con số của Việt Nam vào năm 2010 tương đương với 4,4% GDP.
Vốn đầu tư cho giao thông so với GDP của Việt Nam trong khoảng hai thập kỷ qua ở mức rất cao (bình quân 4,6%), gấp hơn hai lần so với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một điều đáng mừng đó là tỷ lệ này đã giảm đáng kể trong mấy năm gần đây do chính sách thắt chặt chi tiêu của Việt Nam. Tỷ lệ gần đây dao động ở mức 3% GDP.
Vốn đầu tư cho giao thông và kho bãi so với GDP của Việt Nam.Nguồn: Niên giám thống kê
Vì đâu vẫn lạc hậu?
Ông Huỳnh Thế Du cho biết: Dù phải huy động nguồn vốn rất lớn so với thế giới, nhưng hệ thống giao thông Việt Nam vẫn đang rất lạc hâu. Đó là hệ quả tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải và lãng phí. Một số nguồn vốn đang rất đắt đỏ.
Và thực tế, theo ông Du, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống đường cao tốc đóng vai trò xương sống cho hạ tầng giao thông quốc gia.
Đó cũng là lý do khiến hoạt động kinh tế chỉ tập trung ở vùng Hà Nội và TP.HCM, trong khi các địa phương khác rất khó phát triển. Nhưng ngay đến hệ thống hạ tầng kết nối ở hai vùng trên cũng đang thể hiện nhiều bất cập.
Ông Du cho rằng, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay ở Việt Nam dẫn đến sự kém hiệu quả, đó là cơ chế ngân sách tôm hùm – tức là địa phương nào cũng muốn có được những công trình quy mô lớn từ ngân sách mà không quan tâm đến yếu tố hiệu quả.
Như việc Sơn La – một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng, hay công trình nhà bảo tàng mấy nghìn tỷ ở Hà Nội đang bỏ không lại triển khai kế hoạch xây dựng bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng…
Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại chỉ rõ những bất cập trong quy hoạch hạ tầng giao thông khiến hiệu quả tổng thể của phát triển hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế chưa như mong đợi.
Đó là hạ tầng giao thông đường thủy, đường sắt đóng vai trò then chốt, quan trọng trong phát triển kinh tế thì chưa được chú ý tới, trong khi đó lại tập trung đầu tư quá nhiều cho đường bộ. Điều này khiến chi phí vận tải gia tăng.
Ông Thiên cho rằng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thu hút vốn cho hạ tầng giao thông cần đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia các doanh nghiệp thông qua hình thức Đối tác Công tư (PPP).
Còn theo khuyến nghị từ ông Du để có thể tạo dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, Việt Nam nên lưu ý việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển, nhất là vốn ngân sách.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông then chốt của Việt Nam đều dựa vào hai nguồn vốn ODA và PPP, trong khi vốn ngân sách rất khó đủ để đầu tư các công trình lớn.
Tuy nhiên, ông Du cho rằng, kinh nghiệm các nước có hạ tầng giao thông thành công, thì vốn ngân sách phải là chủ đạo, còn ODA và PPP chỉ là bổ sung.
Ngoài ra, để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thành công, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào các khu vực có trọng lực, có tiềm năng phát triển trước, rồi mới phân bố tới vùng sâu, vùng xa, thay vì cách đầu tư dàn trải hiện nay.
Theo Bizlive
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu