Giảm mạnh số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trong quý I/2018

Trong quý I/2018, ở khối bộ ngành chỉ có 376 dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ, đạt 24,2% và số dịch vụ công trực tuyến của địa phương có phát sinh hồ sơ là 4.396, đạt 9,6%; lần lượt giảm 39,9% và 5,7% so với quý IV/2017.

Để tăng cường hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2018 theo hướng chọn những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp sử dụng thường xuyên (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, trong quý đầu của năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục triển khai, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chủ động của các bộ, ngành, địa phương.

Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, đã có thêm 13.909 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành nhưng số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ lại giảm đáng kể so với quý trước.

Cụ thể, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp hiện nay là 1.551 dịch vụ nhưng số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến trong quý I/2018 chỉ có 376 dịch vụ, đạt tỷ lệ 24,24% (quý IV/2017, tỷ lệ này là 64,14%).

Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp hiện nay là 45.374 dịch vụ, tuy nhiên số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến trong quý I/2018 chỉ là 4.396, đạt tỷ lệ 9,69% (tỷ lệ này trong quý IV/2017 là 15,42%).

Để tăng cường hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2018 theo hướng lựa chọn những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp sử dụng thường xuyên, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 02 ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính, dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý II năm nay.

Đối với việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Đề án triển khai, sẽ gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2018.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan hoàn thành phương án kỹ thuật theo hướng tích hợp, trao đổi dữ liệu về thủ tục hành chính, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tích hợp dịch vụ công trực tuyến với hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến và tham khảo mô hình Cổng dịch vụ công quốc gia của các nước xếp hạng cao trên thế giới.

Hiện nay, Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đánh giá, đề xuất giải pháp phần mềm một cửa điện tử thống nhất. Trên cơ sở giải pháp phần mềm một cửa điện tử thống nhất do Bộ TT&TT đánh giá lựa chọn và khuyến cáo sử dụng cho cấp bộ, tỉnh, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT lựa chọn, bộ, địa phương triển khai thí điểm; đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai nhân rộng.

Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 36a của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, một trong những chỉ tiêu không hoàn thành mục tiêu đã đề ra là chỉ tiêu các bộ, ngành có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 theo danh mục được ban hành.

Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo. Trong năm 2018, Chính phủ đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính; thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; nâng cao chỉ số về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng vốn nhà nước (Thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 20/12/2014). Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2018.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, xử lý hồ sơ công việc trên máy tính. Khẩn trương hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, ưu tiên các dịch vụ công phổ biến được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/giam-manh-so-luong-dich-vu-cong-truc-tuyen-co-phat-sinh-ho-so-trong-quy-i-2018-166459.ict