“Giấc mơ Mỹ” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với Vinfast

VietTimes -- Cho rằng thị trường Việt Nam quá nhỏ, ông Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ đầu tư 2 tỷ USD - nhấn mạnh là từ khối tài sản của cá nhân - để đưa xe ô tô điện của Vinfast tấn công thị trường Mỹ. Dù tiết lộ Vingroup phải bù lỗ tới 18.000 tỷ đồng cho Vinfast mỗi năm, người giàu nhất Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa và không hề nao núng với “giấc mơ Mỹ” của mình.
Ông Vượng và giấc mơ thương hiệu toàn cầu (Nguồn: Internet)
Ông Vượng và giấc mơ thương hiệu toàn cầu (Nguồn: Internet)

5 năm chịu lỗ của Vinfast và 2 tỷ USD tiền túi của ông Vượng

Bloomberg vừa hé lộ kế hoạch phát triển đầy tham vọng của Hãng sản xuất xe hơi Vinfast, sau cuộc phỏng vấn với tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Theo đó, hãng xe hơi non trẻ của Việt Nam đang hướng tới những kỳ tích mà kể cả những tên tuổi lớn như Toyota Motor Corp. và Huyndai Motor Co. đều đã không dám mơ trong thời khởi dựng.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho hay, Vinfast đã lên kế hoạch xuất khẩu xe ô tô điện sang Mỹ vào năm 2021.

Người giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư 2 tỷ USD từ khối tài sản cá nhân của mình để thực hiện giấc mơ toàn cầu.

Như vậy, ông Vượng sẽ đóng góp khoảng một nửa vốn đầu tư của VinFast. Hiện tại, hãng sản xuất ô tô Việt Nam cũng chỉ mới xuất xưởng những chiến xe đầu tiên tới người tiêu dùng trong nước.

Dữ liệu Bloomberg cho thấy, Chủ tịch Vingroup đang sở hữu khối tài sản trị giá 9,1 tỷ USD. Năm ngoái, ông Vượng từng bán một phần cổ phần tại Vingroup, và dự kiến bán tiếp 10% để huy động cho dự án đưa xe Vinfast sang Mỹ. Cá nhân ông Vượng sở hữu 49%, trong khi Vingroup sở hữu 51% cổ phần tại VinFast.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên một thương hiệu toàn cầu. Đó chắc chắn là một con đường khó khăn và chúng tôi sẽ phải hết sức nỗ lực. Tuy nhiên, chỉ có một con đường ở phía trước”, ông Vượng nhấn mạnh.

Ông Vượng chia sẻ rằng Vinfast sẽ không có lãi trong ít nhất 5 năm nữa. Thị trường Việt Nam lại "quá nhỏ", nên việc mang xe ra thị trường ngoại chính là chìa khóa để giúp công ty này có lãi.

Những thách thức từ thị trường

Tờ Bloomberg cũng tiết lộ rằng, chiếc xe điện đầu tiên của Vinfast được dự kiến lắp ráp vào cuối năm sau, tức năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2021 ông Vượng đã có kế hoạch đưa dòng sản phẩm này tấn công sang Mỹ, châu Âu và Nga. Đây có thể xem là một thách thức lớn của Vinfast trong việc hoàn thành các nghĩa vụ sản xuất về cả số lượng và chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, là tại các nước phát triển, việc chinh phục người dùng đã là câu chuyện khó, việc đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải hay tính năng an toàn của xe lại là câu chuyện khó khăn hơn.

Ông Michael Dunne, CEO của công ty tư vấn ZoZo Go LLC thị trường ô tô Châu Á cho rằng Vinfast sẽ phải đương đầu với khó khăn liên quan đến bài toán thương hiệu: “Họ sẽ phải mất một thời gian để sẵng sàng cạnh tranh tại Mỹ, vốn đang là thị trường khó tính nhất thế giới. Thương hiệu của họ phải đủ mạnh”, ông Michael nhấn mạnh.

Nhiều người tiêu dùng thích những chiếc xe ô tô đã qua sử dụng của những thương hiệu lâu đời như Honda hay Toyota hơn là một chiếc xe mới nhưng của một thương hiệu còn non trẻ và không quen thuộc.

Để thành công, ông Michael cho rằng VinFast sẽ cần sản xuất ít nhất 100.000 chiếc xe mỗi năm với mức giá cạnh tranh. Bênh cạnh đó phát triển thương hiệu toàn cầu và xây dựng mạng lưới trạm dịch vụ, hỗ trợ. Ông này cũng nói thêm rằng VinFast sẽ có cơ hội ở thị trường nhỏ hơn như Đông Nam Á.

VinFast hiện đang sở hữu của một nhà máy rộng 335 ha tại Hải Phòng, và đang bán ra các dòng xe, gồm hatchback, sedan và SUV. Theo thông báo của hãng này, giá sản phẩm bán ra đang thấp hơn chi phí sản xuất.

Ông Vượng không nao núng...

Bloomberg cũng chỉ ra một số thương hiệu sản xuất ô tô đã thất bại khi tấn công sang thị trường ngoại, ví dụ như Tata của Ấn Độ và Proton của Malaysia. Trong khi đối với Vinfast, ngay tại sân nhà, hãng này còn đang phải đổi mặt với những đối thủ lớn như Toyota, Ford hay Hyundai.

Trước Vinfast, từ hơn 1 thập kỷ nay nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đã ôm mộng “Mỹ tiến”. Các dự án chưa thực sự thành công, tuy nhiên, các nhà sản xuất xe hơi đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tỏ ra rất nỗ lực và nghiêm túc với dự án này.

Hãng sản xuất Automobile, Zotye Automobile và nhiều thương hiệu khác của Trung Quốc đã thành lập chi nhánh bán hàng ở Mỹ, thậm chí xây dựng những phòng nghiên cứu phát triển tại thị trường lớn nhất thế giới.

Đối với dòng sản phẩm xe điện, việc sản xuất và bán thành công một chiếc xe là câu chuyện không hề dễ dàng. Một số startup của Trung Quốc đã đặt cược hàng tỷ USD vào thị trường xe điện của Mỹ, tuy nhiên không nhiều trong số đố báo lãi. Hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc - BAIC BluePark New Energy Technology Co. -  cũng phải dự báo lỗ cho cả năm 2019. Một hãng khác là NIO Inc. cũng chưa thu về lợi nhuận và đang lo ngại sẽ cạn tiền mặt.

Khó khăn bủa vây giấc mơ Mỹ, nhưng ông Vượng được Bloomberg mô tả rằng không hề tỏ thái độ nao núng. Ông Vượng cho biết trong vài năm tới, Vingroup dự kiến phải chi 18.000 tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ cho VinFast.

Để có được nguồn lực hỗ trợ cho Vinfast, ông Vượng sẽ bán bớt cổ phần tại một số mảng, cắt giảm chi phí ở những khâu không cần thiết, và tìm đến những khoản tín dụng mới./.